Từ những bãi biển nghỉ dưỡng tại thành phố Antalya, du khách sẽ mất 45 phút để đi xe đến Công viên quốc gia Núi Gulluk-Termessos. Để đến được trung tâm của thành phố cổ sẽ phải mất thêm 10 phút leo bộ với nhiều đoạn dốc gồ ghề. Nhưng đích đến sẽ là phần thưởng với cảnh quan hùng vĩ và kiến trúc ấn tượng.
Termessos có sự tổng hòa của lịch sử, cảnh quan, sự tĩnh lặng, yếu tố tự nhiên và những vết tích bị phá hủy theo thời gian. Nơi đây có những di tích lăng mộ khổng lồ, các bể chứa nước ngầm rộng lớn, những bức tường thành phố hùng vĩ và một nhà hát lớn nằm trên đỉnh đồi, với tầm nhìn bao quát hàng km, theo Đài CNN.
Sau khi trả phí 3 euro (khoảng 80.000 đồng) tại cổng công viên và leo bộ dọc ngọn đồi thông, bức tường thành của Termessos hiện ra ở điểm đến. Với những người yêu thích lịch sử, bức tường phần nào cho thấy thành phố đã được bảo vệ kiên cố thế nào vào khoảng thế kỷ 4 trước công nguyên.
"Tổ đại bàng" đẩy lùi đội quân Alexander Đại đế
Chỉ đến vài thập niên gần đây, giới chuyên gia mới bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về thành phố này. Người dân Termessos được gọi là Solyms, hậu duệ của người Luwians, một nền văn minh cổ đại trải dài trên khắp khu vực ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ. Cho đến nay, có rất ít thông tin về người Solyms hay thời điểm họ bắt đầu xây dựng thành phố của mình.
Tuy nhiên, xây dựng Termessos đã thể hiện tài năng và tầm nhìn của nhóm người này. Thành phố được xây trên tuyến đường thương mại chính, giúp họ trở nên giàu có nhờ giao thương ở Địa Trung Hải. Không những vậy, độ cao và tầm nhìn bao quát còn thuận tiện hơn trong việc phòng thủ.
Đó là lý do khi Alexander Đại đế - nhà chinh phạt lỗi lạc của lịch sử Hy Lạp cổ đại, người từng cai trị một khu vực trải dài từ Hy Lạp đến Trung Á ngày nay - tiến đánh Termessos vào năm 333 trước công nguyên, ông đã không thể chiếm được thành phố hay bao vây bên ngoài buộc người dân quy hàng. Có tài liệu ghi chép ông đã gọi thành phố này là “tổ đại bàng”.
Theo trang Greek Reporter, sử gia Hy Lạp cổ đại Arrian viết rằng địa hình đồi núi tự nhiên tự thân nó đã tạo bức tường phòng thủ không thể xuyên thủng cho Termessos. Từ đó, chỉ cần một nhóm lính nhỏ cũng có thể ngăn chặn cuộc tấn công từ bên ngoài. Termessos được xem như một trong những thất bại hiếm hoi của Alexander khi chinh phạt vùng Tiểu Á.
Về sau, người La Mã đã kiểm soát thành phố này, nhưng không bằng vũ lực mà theo cách trao cho Termessos quyền tự trị dưới sự bảo trợ của La Mã.
Nhiều kiến trúc ấn tượng
Một phần ở di tích Termessos còn có những ngôi mộ của những người giàu có và quyền lực. Các quan tài cổ được chạm khắc manh mối về xuất thân và cấp bậc của những người được chôn cất. Điểm chung là các ngôi mộ này đều có dấu hiệu bị đập vỡ hoặc nắp quan tài bị bật ra, cho thấy chúng từng là mục tiêu của những kẻ trộm mộ.
Còn có những di tích bằng đá cẩm thạch về phòng thể dục, khuôn viên trường luyện binh, nhà tắm và phòng ăn. Ở trung tâm còn có dấu tích của một khu chợ tấp nập. Ông Onder Uguz, hướng dẫn viên tại Antalya, nói rằng nơi đây từng bày bán những loại dầu ô liu, vải, đồ da tốt nhất, cùng hàng hóa được nhập từ khắp Địa Trung Hải.
Cảnh quan chính cũng là tâm điểm thu hút khách tham quan là nhà hát vòm, nằm trên điểm cao nhất của thành phố, với tầm nhìn bao quát khu vực xung quanh rộng lớn, được xem là địa điểm linh thiêng của người dân Termessos.
Giới chuyên gia tin rằng Termessos đã bị phá hủy do một trận động đất, dù không biết chính xác thời gian nào, suy đoán rằng có thể rơi vào thế kỷ 4 - 5. Những di tích còn sót lại là tình trạng thực tế của các tòa nhà sau khoảng 16 thế kỷ.
Có một khu vực từng là hệ thống thoát nước có mái che, với những bể chứa ngầm khổng lồ nhiều ngăn được chạm khắc thủ công vào đá rắn và lót bằng thạch cao. Với một thành phố có ít nguồn nước tự nhiên, đây là một trong những tài sản quan trọng nhất của Termessos. Các bể có thể chứa đến 1.500 tấn nước, là nguồn dự trữ quan trọng, đặc biệt trong những giai đoạn thành phố bị bao vây từ đội quân của Alexander.