Đối với 100% cổ phần Công ty Hòa Thuận Phát, bị cáo Trương Huệ Vân trình bày công ty do bà nội thành lập từ rất lâu, con cháu đều đứng tên từ khi bà còn sống, trong đó có Công ty Emaral mà bị cáo là đại diện pháp luật. Vì vậy bị cáo Vân đề nghị giải tỏa kê biên, vì đây là công ty gia đình xuất phát từ xưởng đóng tàu nên muốn phát triển công ty để giữ gìn truyền thống gia đình. Đối với 16 quyền sử dụng đất ở H.Nhà Bè (TP.HCM), bị cáo Lan khai đây là tài sản của bạn bị cáo cho mượn (500 tỉ đồng) để tái cơ cấu Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), vì vậy bị cáo đề nghị bán tài sản này, trả cho người bạn 500 tỉ đồng, còn lại dùng khắc phục hậu quả.
Về 25 tỉ đồng do bị cáo Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã đặt cọc mua 8 bất động sản tại TP.HCM, bị cáo Lan khai các tài sản này thuộc dự án tứ giác Amigo, và để tiết kiệm tiền, bạn bè bị cáo ứng tiền ra đền bù trước, sau khi xong pháp lý dự án thì họ mới bán lại cho bị cáo và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Riêng 4 căn nhà tại P.Mỹ Long, TP.Long Xuyên (An Giang), bị cáo Vân khai lấy tiền tích lũy cá nhân đặt cọc 5 tỉ đồng mua vào năm 2022 để tặng mẹ; nay bị cáo đề nghị được nhận lại cọc và dùng tiền khắc phục vụ án.
Đối với dự án diện tích khoảng 6,18 ha thuộc Khu đô thị phát triển An Phú 88,3 ha, bị cáo Lan khai cho Nguyễn Văn Liêm mượn để làm dự án, sau đó Liêm sẽ cho mượn dự án để tái cơ cấu SCB. Đến nay ông Liêm chưa trả lại, nên bị cáo đề nghị nếu đồng ý đưa dự án cho bị cáo làm thì bị cáo sẽ tìm nhà đầu tư, còn không thì ông Liêm trả lại tiền và lãi suất.
Về 3 tài sản là nhà máy Tanifood (Tây Ninh), nhà máy Lavifood (Long An) và xưởng sơ chế - bảo quản trái cây Hồng Nguyên Long, bị cáo Lan đề nghị giải tỏa để bán trả nợ cho 2 ngân hàng (tài sản đang thế chấp), còn lại trả cho bị cáo để khắc phục hậu quả...
Hôm nay (1.10), phiên tòa tiếp tục.