Thao túng chứng khoán: Thu lợi trăm tỉ nhưng hình phạt còn quá nhẹ?

14:24 - 16/05/2023

Thao túng chứng khoán giúp người thực hiện hành vi thu lợi cả trăm tỉ đồng, nhưng chế tài đối với chiêu trò này chỉ là phạt tiền hoặc phạt tù cao nhất 7 năm.

TAND TP.Hà Nội vừa xét xử và tuyên phạt bị cáo Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Louis Holdings, 5 năm 6 tháng tù về tội thao túng thị trường chứng khoán. 7 bị cáo khác, với vai trò đồng phạm, bị tuyên từ 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 4 năm tù. Nhóm này bị cáo buộc “thổi giá” 2 mã cổ phiếu BII và TGG, thu lợi bất chính hơn 154 tỉ đồng.

Một vụ án khác cũng đang được điều tra, liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP tập đoàn FLC. Bị can này cùng đồng phạm bị cáo buộc dùng các thủ đoạn gian dối để thao túng mã cổ phiếu FLC, thu lợi bất chính hơn 530 tỉ đồng.

Ở cả 2 vụ án, các bị can/bị cáo cùng bị truy cứu theo quy định tại điều 211 bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), với mức phạt tiền cao nhất là 4 tỉ đồng hoặc phạt tù cao nhất đến 7 năm. Đối chiếu với hậu quả của hành vi thao túng chứng khoán, nhiều ý kiến cho rằng chế tài như hiện nay còn quá nhẹ.

Thao túng chứng khoán: Thu lợi trăm tỉ nhưng hình phạt còn quá nhẹ?

Nhóm bị cáo Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Louis Holdings, tại phiên tòa xét xử vụ thao túng 2 mã cổ phiếu BII và TGG

Mức phạt chưa đủ sức răn đe

Luận tội vụ Louis Holdings, đại diện viện kiểm sát nhận định nhóm bị cáo Đỗ Thành Nhân thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của thị trường chứng khoán, hoạt động của doanh nghiệp; tác động tiêu cực tới tâm lý các nhà đầu tư, gây ra sự bất ổn, hỗn loạn của thị trường, gây mất niềm tin với xã hội.

Điều này hoàn toàn đúng đắn, bởi xét ở góc độ đặc trưng, khác với nhiều hành vi phạm tội, thao túng chứng khoán có sự ảnh hưởng tiêu cực tức thì và lan rộng hơn. Thời điểm khởi tố, vụ án tại FLC không chỉ gói gọn “rung chấn” đối với cổ phiếu FLC, vụ án tại Louis Holdings cũng không dừng lại ở BII hay TGG, mà lập tức bao phủ lên toàn thị trường. Minh chứng là sự xuất hiện liên tục các phiên giao dịch giảm điểm, với la liệt cổ phiếu “nằm sàn”. Thiệt hại không chỉ xảy ra với nhà đầu tư mua phải FLC, BII hoặc TGG mà vạ lây cả những mã cổ phiếu khác.

Ông Trương Việt Toàn, nguyên thẩm phán, Phó chánh tòa Hình sự TAND TP.Hà Nội, cho rằng ngoài con số tuyệt đối về tiền mà những người thao túng chứng khoán hưởng lợi bất chính, thiệt hại khác không thể đong đếm do hành vi này gây ra, đó là niềm tin của các nhà đầu tư chân chính.

Thực tế đã chứng minh lời vị nguyên thẩm phán. Để xuống tiền cho một mã cổ phiếu, ngoài các thông tin về doanh nghiệp có thể “nhìn được, nghe được, thấy được”, căn cứ quan trọng giúp nhà đầu tư quyết định là niềm tin rằng doanh nghiệp sở hữu cổ phiếu ấy sẽ phát triển, cổ phiếu của họ sẽ tăng giá. Kể từ khi 2 vụ án cùng nhóm người thao túng bị khởi tố, niềm tin đã mất, 3 mã cổ phiếu FLC, BII và TGG “tuột dốc không phanh”. Thời điểm hiện tại, FLC bị đình chỉ giao dịch; BII và TGG rớt giá thê thảm, quay trở về đúng với vị trí của cổ phiếu “rác”.

Phân tích những yếu tố trên để thấy rằng, hậu quả từ thao túng chứng khoán vô cùng lớn, nhất là trong bối cảnh thị trường ngày càng lớn và mở như hiện nay. Thế nhưng, chế tài đối với loại tội phạm này lại chưa tương xứng, như quy định theo điều 211 bộ luật Hình sự đã nêu.

Trong kết luận điều tra vụ Louis Holdings, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đánh giá, tội phạm về thao túng thị trường chứng khoán diễn ra rất tinh vi, có tính tổ chức, gây ảnh hưởng và thiệt hại rất lớn đến nhà đầu tư, chính sách quản lý nhà nước đối với tài chính nói chung, chứng khoán nói riêng. Tuy nhiên, bộ luật Hình sự đang quy định mức hình phạt liên quan đến hành vi này còn rất thấp, không đảm bảo sự răn đe, phòng ngừa. Cơ quan điều tra kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật theo hướng tăng hình phạt, tăng mức xử phạt nghiêm khắc hơn đối với hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

Cần nâng hình phạt cả về tiền và án tù

Nguyên thẩm phán Trương Việt Toàn nói, hành vi có biểu hiện thao túng chứng khoán đã xảy ra từ nhiều năm trước, như trong vụ Nguyễn Đức Kiên (còn gọi là “bầu Kiên”). Ở các vụ án đã bị phát hiện, xử lý, hành vi thao túng thị trường được sử dụng theo “công thức kinh điển”: một người hoặc một nhóm người mở rất nhiều tài khoản rồi liên tục mua đi bán lại, đẩy giá cổ phiếu lên cao rồi xả bán, chốt lời.

Thủ đoạn phạm tội không mới, cũng không quá khó để phát hiện, hậu quả gây ra thì rất lớn nhưng những nhà làm luật khi điều chỉnh mức án để áp dụng cho hành vi này, theo ông Toàn là còn nhẹ. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng khi đặt thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản cạnh nhau – 2 tội danh có những nét tương đồng về thủ đoạn gian dối để phạm tội, sẽ thấy sự khác biệt.

Với lừa đảo, nếu số tiền chiếm đoạt hàng tỉ đồng, người phạm tội có thể đối diện mức án 15 – 20 năm tù, nếu hậu quả lớn hơn có thể là chung thân. Còn với thao túng chứng khoán, số tiền hưởng lợi bất chính có thể lên tới vài trăm tỉ đồng, mức phạt cao nhất chỉ là 7 năm tù, không tương xứng với thiệt hại gây ra.

“Muốn thị trường chứng khoán phát triển, thu hút vốn của nhà đầu tư, ngoài các biện pháp quản lý giúp thị trường ngày càng lành mạnh, minh bạch thì phải nâng mức án cao hơn nữa đối với hành vi thao túng cổ phiếu”, ông Toàn nói và cho rằng nâng ở mức nào thì cần có sự nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng.

Đồng tình, luật sư Hà Công Tâm (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới xử lý rất nghiêm khắc với hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Theo Đạo luật 1934 của Mỹ, các cá nhân bị kết tội này sẽ bị xử phạt tù tối đa 20 năm và phạt tiền lên đến 5 triệu USD (hơn 117 tỉ đồng). Tại Nhật Bản, hình phạt tối đa đối với một công ty về hành vi thao túng thị trường là 700 triệu yen (hơn 130 tỉ đồng); mức phạt tù cá nhân có thể lên đến 10 năm, phạt tiền hơn 80.000 USD (hơn 1,8 tỉ đồng).

Vì vậy, theo luật sư Tâm, ngoài tăng chế tài phạt tù, VN cũng cần nghiên cứu tăng chế tài cả về phạt tiền, nhằm tăng sức răn đe. “Có thể cân nhắc mức xử phạt theo phần trăm tổng số tiền dùng để thao túng cổ phiếu”, luật sư Tâm đề xuất.

Còn theo Cơ quan CSĐT Bộ Công an, với việc mở tài khoản chứng khoán dễ dàng, các đối tượng phạm tội có thể thuê, nhờ người khác mở rồi sử dụng các tài khoản mua bán, tạo cung – cầu giả. Cùng với đó, sơ hở trong kiểm soát vay vốn theo hình thức hợp tác đầu tư cũng giúp tội phạm có nguồn tiền giao dịch, đẩy giá, thao túng cổ phiếu.

Để ngăn chặn loại tội phạm này, cơ quan điều tra kiến nghị quy định mỗi số điện thoại, email chỉ được sử dụng để mở duy nhất 1 tài khoản chứng khoán/công ty chứng khoán; quy định chặt chẽ hơn về điều kiện, quy trình, hạn mức, tỷ lệ cho vay đối với các mã chứng khoán thuộc diện kiểm soát, có thanh khoản thấp; chỉ cho phép cổ đông nội bộ giao dịch khi đã công bố thông tin đúng quy định…

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

LỊCH PHÁT SÓNG TRUYỀN HÌNH

Thanh toán hóa đơn SCTV

Cáp nét siêu tốc - Cơn lốc quà tặng từ SCTV

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

sctvonline Trang tin nhịp sống hôm nay
scj-shopping Truyền hình cáp SCTV

 

Nguồn: Vietcombank

Kết quả xổ số

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...