Sau một tuần xét xử, hôm qua phiên tòa đã chuyển sang phần tranh luận. Tại tòa, HĐXX thông báo đã nhận được biên lai thu tiền của Cục Thi hành án dân sự TP.HCM với nội dung ông Lê Viết An nộp thay cho bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ bị cáo Luyện) 6 tỉ đồng trong tội rửa tiền và 200 triệu đồng trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, ông An còn nộp 200 triệu đồng cho bị cáo Nguyễn Thái Luyện để khắc phục hậu quả. Tổng cộng ông An nộp 6,4 tỉ đồng thay cho vợ chồng bị cáo Luyện.
Do đó, Đại diện Viện kiểm sát đề nghị tòa giảm án cho bị cáo Mai, tuyên phạt từ 25 – 27 năm tù cho cả hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền (sơ thẩm là 30 năm tù). Riêng bị cáo Luyện vẫn bị đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm với mức án tù chung thân vì hậu quả mà bị cáo gây ra là đặc biệt lớn.
Ngoài ra, có một số bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt, đã nộp từ 10 – 50 triệu đồng để khắc phục hậu quả, nên được Viện kiểm sát đề nghị HĐXX giảm từ 1 – 3 năm tù so với mức án sơ thẩm. Đối với kháng cáo của các bị hại, Viện kiểm sát còn đề nghị chấp nhận kháng cáo của 31 bị hại yêu cầu tăng mức bồi thường so với bản án sơ thẩm. Riêng một số bị hại yêu cầu nhận đất và tính lãi suất, Viện cũng đề nghị bác kháng cáo vì không có cơ sở để chấp nhận.
Tự bào chữa, bị cáo Luyện đề nghị HĐXX không chấp nhận đơn kháng cáo của 31 bị hại xin được nhận thêm tiền, mà công nhận số tiền bồi thường như bản án sơ thẩm. Vì như vậy sẽ làm tăng thêm 300 tỉ đồng, đây là số tiền quá lớn và chưa được kiểm chứng.
Cuối giờ chiều hôm qua, tòa kết thúc phần tranh luận, chuyển sang nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào ngày 19.5.
Như Thanh Niên thông tin, năm 2016 Nguyễn Thái Luyện thành lập Công ty CP địa ốc Alibaba với vốn điều lệ 1 tỉ đồng; tiếp đó thành lập 22 pháp nhân giao cho người thân và nhân viên đứng tên. Bị cáo Luyện và các đồng phạm rao bán 58 dự án bất động sản không có thật tại Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận. Các công ty này đã tự phân lô, tách thửa trái pháp luật, quảng cáo gian dối để bán cho hàng nghìn người.