Theo hồ sơ, vợ chồng bà Đỗ Thị Lương và ông Trần Văn Quỳ (ngụ P.25, Q.Bình Thạnh) có căn nhà thuộc dự án nhà ở cho cán bộ công nhân viên Xí nghiệp cung ứng vận tải (nay là Công ty CP 43).
Năm 2004, căn nhà vợ chồng bà Phan Thị Thanh Tuân và ông Lê Hồng Hiển, phía sau nhà bà Lương, xây dựng lấn chiếm phần ống cống thoát nước. Cho rằng việc này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của gia đình bà Lương nên sau khi bà Lương khiếu nại, UBND P.25 buộc bà Tuân tháo dỡ công trình xây dựng lấn chiếm không gian đường cống thoát nước, nhưng bà Tuân chỉ tháo dỡ một phần.
Năm 2007, UBND Q.Bình Thạnh có công văn trả lời với nội dung: "... Hành vi xây dựng không phép của bà Tuân vào tháng 7.1996 (trước khi có quy chuẩn xây dựng VN ban hành). Do đó phần ban công lấn chiếm không gian đường cống thoát nước của nhà bà Tuân được tồn tại (tháo dỡ không điều kiện khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền). Năm 2004, bà Tuân tiếp tục dựng khung sắt và làm mái che trên phần đất phía sau nhà lấn chiếm đường cống thoát nước chung. Vụ việc này bà Tuân đã tự khắc phục...".
Không đồng ý với nhận định trên vì cho rằng phía nhà bà Tuân mới chỉ khắc phục một phần, bà Lương tiếp tục có đơn phản ánh. Năm 2017, UBND Q.Bình Thạnh tiếp tục có văn bản khẳng định việc cơ quan này trả lời bà Lương như trên là đúng quy định. Vì vậy, vợ chồng bà Lương đã khởi kiện Chủ tịch và UBND Q.Bình Thạnh ra tòa, yêu cầu hủy các công văn trên.
Tồn tại phần lấn chiếm là không phù hợp
Năm 2020, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm đã bác đơn khởi kiện của vợ chồng bà Lương. Không đồng ý với bản án, bà Lương làm đơn kháng cáo.
Tháng 3.2022, TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm đã bác đơn kháng cáo của vợ chồng bà Lương. Tuy nhiên, trong phần quyết định, bản án nêu: "Kiến nghị UBND Q.Bình Thạnh áp dụng các biện pháp buộc khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật để yêu cầu hộ của bà Phan Thị Thanh Tuân, ông Lê Hồng Hiển khôi phục lại hiện trạng ban đầu đối với phần xây dựng không đúng quy định…".
Bởi theo TAND cấp cao tại TP.HCM, hồ sơ đăng ký kê khai nhà đất năm 1999 của gia đình bà Tuân có thể hiện phần ban công lấn chiếm không gian đường cống thoát nước. Như vậy, gia đình bà Tuân đã xây dựng phần ban công trước khi có quy chuẩn xây dựng VN ban hành. Do đó, phần ban công lấn chiếm không gian đường cống thoát nước của nhà bà Tuân được tồn tại công trình, tuy nhiên phải tháo dỡ không điều kiện khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (theo điều 3 Quyết định số 39 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ…).
Thực tế đơn vị quản lý khu nhà ở này là Công ty CP 43 chưa bàn giao hạ tầng kỹ thuật cho địa phương quản lý, nên yêu cầu khởi kiện của vợ chồng bà Lương là không có cơ sở chấp nhận.
"Tuy nhiên, việc gia đình bà Tuân không tháo dỡ các công trình xây dựng sai quy định trong thực tế, có ảnh hưởng đến thông hành địa dịch. Nên việc căn cứ vào Quyết định số 39 của Thủ tướng để cho tồn tại công trình là không phù hợp", bản án nhận định.
Sau khi bản án có hiệu lực, bà Lương đã gửi đơn kiến nghị UBND Q.Bình Thạnh thực hiện kiến nghị của TAND cấp cao tại TP.HCM, nhưng đã hơn 1 năm nay bà vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. Ngày 8.8.2023, UBND Q.Bình Thạnh có văn bản trả lời bà Lương rằng: "Hiện nay, UBND quận có văn bản kiến nghị TAND cấp cao tại TP.HCM và Sở Xây dựng hướng dẫn việc giải quyết. Sau khi có kết quả, UBND quận tiếp tục xem xét, giải quyết đơn của bà".
"Đường ống cống rất quan trọng mà hiện giờ nhà tôi không thể đi vào để kiểm tra nếu phát sinh sự cố. Chúng tôi còn phải mưu sinh, nhưng chỉ vì đường ống cống mà mười mấy năm nay tôi phải vác đơn, gõ cửa, cầu cứu khắp nơi, khiến cuộc sống bị đảo lộn", bà Lương bức xúc.
PV Thanh Niên đã liên lạc với lãnh đạo UBND Q.Bình Thạnh để tìm hiểu thông tin, tuy nhiên vị này cho biết sẽ kiểm tra lại và thông tin sau.
Làm gì nếu ủy ban không làm theo kiến nghị ?
Trao đổi với Thanh Niên, luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, căn cứ khoản 5 điều 14 Nghị định 91 năm 2019 được sửa đổi bởi Nghị định 04 năm 2022 quy định trường hợp lấn, chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị, thì mức xử phạt tối đa không quá 500 triệu đồng đối với cá nhân, đồng thời buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
"Mặc dù trong trường hợp này đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, do đã quá 2 năm, nhưng người vi phạm vẫn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điều 28 luật Xử lý vi phạm hành chính", luật sư Hoan phân tích.
Luật sư Cáp Chiến Thắng (Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật) cho biết thêm, do tòa án chỉ "kiến nghị" nên trong trường hợp này, bà Lương không thể gửi đơn yêu cầu thi hành án hành chính.
Kiến nghị của tòa án đối với UBND Q.Bình Thạnh được đưa ra trên cơ sở xem xét các hành vi vi phạm của người dân trong quá trình chấp hành quy định pháp luật về đất đai. "Trường hợp UBND không thực hiện nội dung kiến nghị của tòa án, bà Lương có quyền gửi đơn phản ánh đến cơ quan cấp trên, cụ thể là Chủ tịch UBND TP.HCM, để yêu cầu xem xét xử lý", luật sư Thắng nói.