TP.HCM: Nhiều doanh nghiệp chưa vượt qua được khó khăn thử thách

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM lần thứ 23 mở rộng – Ảnh: THANHUYTPHCM.VN.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, sau Hội nghị Thành ủy lần thứ 21 đến nay, toàn hệ thống chính trị đã thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ chính trị, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Theo đó, Thành phố đã tập trung quán triệt triển khai kế hoạch hành động thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, đó là Nghị quyết 31 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 24 về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Đặc biệt là Nghị quyết 98 của Quốc hội về các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, cùng các nhiệm vụ, giải pháp của Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM đề ra.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng cũng cho biết, tăng trưởng kinh tế của TP.HCM quý sau tăng cao hơn quý trước. Nếu như trong quý I, RGDP của Thành phố chỉ tăng 0,7%, thì đến quý II đã tăng 5,87% và đến quý III, tăng trưởng GRDP của Thành phố đã tăng lên 6,74%. Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2023, GRDP của TP.HCM ước tăng hơn 4,57%.

TP.HCM: Nhiều doanh nghiệp chưa vượt qua được khó khăn thử thách

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại Hội nghị – Ảnh: THANHUYTPHCM.VN.

“Các lĩnh vực văn hoá – xã hội, giáo dục, y tế, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng. Công tác cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, chuyển đổi số gắn với thực hiện chủ đề năm đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham những tiêu cực, cải cách tư pháp tiếp tục được đẩy mạnh, đạt kết quả ngày càng tốt hơn trước”, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM cũng đã chỉ ra nhiều chỉ tiêu chủ còn thấp, yếu như: thu ngân sách, giải ngân đầu tư công, xuất khẩu… vẫn gặp vướng mắc, tồn đọng và có phát sinh mới nhưng chưa được tháo gỡ kịp thời. Hiện nhiều doanh nghiệp chưa vượt qua được khó khăn thử thách.

Trước thực trạng đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu các Đại biểu tham dự Hội nghị lần này nghiên cứu, tập trung thảo luận, đánh giá xác đáng mặt làm được và những mặt chưa được, những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân của tình hình trên. Đồng thời, dự báo những khó khăn, thử thách, rủi ro sẽ phải đối mặt trong thời gian tới.

Đồng thời, ông cũng yêu cầu đánh giá tình hình những tác động có liên quan đến kinh tế – xã hội của TP.HCM đối với 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp. Đó là, việc ban hành chế độ chính sách thu hút đãi ngộ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế; ổn định thị trường lao động, chuyển đổi cơ cấu việc làm theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; khẩn trương tháo gỡ những rào cản vướng mắc, tập trung giải quyết vấn đề nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân; đẩy mạnh thực chất chuyển đổi số, kinh tế số; thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ và sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

TP.HCM: Nhiều doanh nghiệp chưa vượt qua được khó khăn thử thách

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội nghị.

Liên quan đến đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM đã ký Tờ trình xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, nếu căn cứ vào diện tích và dân số thì TP.HCM phải sắp xếp 6 quận và 142 phường, thị trấn. Tuy nhiên, nếu vận dụng các yếu tố đặc thù thì sẽ có nhiều địa phương chưa phải sắp xếp.

Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết, Thành phố đã làm việc với Bộ trưởng Bộ Nội vụ về cách tiếp cận mới. Với cách tiếp cận này, TP.HCM chưa sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và chỉ sắp xếp 71 đơn vị hành chính cấp xã.

Về các bước thực hiện sắp tới, người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho biết, sẽ báo cáo Bộ Nội vụ thẩm định đề án trình Chính phủ, sau đó Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông quan