Cuộc đua “giống TikTok”

Ai sẽ chiếm được thị phần TikTok?

TikTok chuẩn bị bị cấm hoặc phải bán mình ở Mỹ

LTK là một nền tảng mua sắm, tập trung vào những người làm công việc sáng tạo. LTK chỉ có 40 triệu người dùng hoạt động hằng tháng, một con số tí hon so với 1 tỷ người xem video clip đăng trên TikTok. Trong khi TikTok tạo ra khoảng 16 tỷ USD doanh thu một năm thì LTK chỉ kiếm được “hàng trăm triệu USD”. Thực tế là hầu hết mọi người thậm chí chưa bao giờ nghe nói đến LTK. Nhưng sau khi Mỹ ra luật buộc TikTok phải bán mình nếu không sẽ bị cấm, LTK và nhiều nền tảng mạng xã hội khác bước vào cuộc đua chiếm thị phần của TikTok để lại.

Như hiện tại, LTK đang dần chuyển sang một nền tảng giống TikTok hơn. LTK hiện đang tập trung vào video, cho phép người sáng tạo đăng nội dung chuyên sâu hơn về các sản phẩm họ đang bán. Các video có thể dài tối đa 10 phút và có các liên kết để mua các sản phẩm được hiển thị. Những tính năng rất giống với TikTok.

Cũng giống như LTK, công ty trò chơi dạng mạng xã hội Roblox cũng đã giới thiệu các tính năng bắt chước TikTok nhằm đẩy mạnh hoạt động mua sắm, video của người dùng và người sáng tạo đi sâu hơn. Họ ra mắt một công cụ để người dùng tạo và chỉnh sửa video cũng như một trình làng một tính năng các clip kiểu TikTok.

Roblox cũng tăng gấp đôi chi nhánh thương mại điện tử của mình với quan hệ đối tác mới của Walmart để bán các sản phẩm của nhà bán lẻ trong metaverse của Roblox. Điều này có thể lôi kéo 71,5 triệu người dùng hoạt động hàng ngày của Roblox, hầu hết là người trẻ, mua sắm nhiều hơn, đồng thời có khả năng thu hút một số người dùng và người sáng tạo của TikTok.

Trong khi đó, Twitch thuộc sở hữu của Amazon, dịch vụ phát trực tiếp phổ biến với các game thủ, vào tháng 10 đã bắt đầu cho phép người dùng đăng các video ngắn hoặc Câu chuyện tự động biến mất, tính năng giống như Instagram, Facebook, Snapchat và TikTok đã cung cấp từ lâu. Twitch cũng vừa tung ra một bảng tin video có thể cuộn trông rất giống trang For You của TikTok.

Thực ra, các công ty công nghệ luôn sao chép đối thủ. Nhưng với tình hình hiện nay là các tính năng “giống TikTok” này cộng với tình trạng hỗn loạn hiện tại của TikTok có thể mang lại cho những đối thủ của TikTok một lợi thế bất ngờ.

Ai được lợi?

Tuy rất nhiều mạng xã hội nhảy vào cuộc tranh giành thị phần của TikTok, nhưng theo giới phân tích, bên được lợi nhất lại là những “gã khổng lồ” quen thuộc, Alphabet và Meta. Hai tập đoàn này đang sở hữu những nền tảng vốn đã cạnh tranh với TikTok, nay lại càng có thêm lợi thế, củng cố sự độc quyền trên mạng xã hội của mình và thậm chí còn gây áp lực lớn hơn cho đối thủ.

Như hiện tại, cả hai công ty đều đã có hàng tỷ người dùng và doanh thu quảng cáo khổng lồ đã giúp đưa công ty mẹ của họ đạt mức vốn hóa thị trường hơn 1 nghìn tỷ USD.

Việc TikTok bị mất đi cũng có thể đưa tới việc Meta và Google sẽ tăng giá quảng cáo trên các nền tảng của mình. Đây là một tin không vui cho các doanh nghiệp. Bù lại, các quảng cáo sẽ có vẻ hiệu quả hơn vì người dùng sẽ “tập trung” hơn vào 2 nền tảng này sau khi không còn TikTok.

Ngoài 2 "ông lớn" Meta và Google được hưởng lợi một cách rõ ràng thì những mạng xã hội thân thiện với giới trẻ cũng sẽ là bên có lợi thế, ví dụ như Snap. Gen Z vốn là những người dùng Snapchat lớn và do đó có thể dành nhiều thời gian hơn cho ứng dụng này sau lệnh cấm TikTok.

Giám đốc điều hành Snapchat, Evan Spiegel năm ngoái đã từng nói rằng ông sẽ “yêu thích” lệnh cấm TikTok, điều này có thể giúp củng cố hoạt động kinh doanh quảng cáo đang mờ nhạt của Snap.

Tuy nhiên, vẫn có thể có một khả năng khác là không có ai được lợi rõ ràng. Đó là nếu TikTok biến mất, mọi người sẽ bớt đi thời gian lướt điện thoại hơn. Vì suy cho cùng, các đối thủ của TikTok kia vốn vẫn tồn tại từ lâu nhưng người dùng vẫn vào TikTok mà không dùng những mạng xã hội đối thủ. Vậy thì nếu không có TikTok, người ta vẫn sẽ chẳng dùng các mạng kia.