Xuất khẩu là một trong những trụ cột chính tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Hoạt động liên quan đến xuất khẩu chiếm gần một nửa giá trị gia tăng ở Việt Nam. Tuy nhiên, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, tổng cầu thế giới suy giảm khiến xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm giảm mạnh, nhất là tại một số thị trường đối tác lớn.

Chia sẻ tại sự kiện kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp với doanh nghiệp xuất khẩu, ông Đỗ Quốc Hưng, Vụ phó Vụ thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, việc giữ vững vị trí xuất khẩu là nhiệm vụ quan trọng, song song với đó tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Để thực hiện được nhiệm vụ này, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần tập trung một số giải pháp trọng tâm.

Nhiều cơ hội mở rộng xuất khẩu từ thị trường ngách

 

Các sản phẩm hàng hoá Việt Nam có dư địa mở rộng thị phần xuất khẩu từ thị trường ngách

 

Trong đó, quan trọng nhất đảm bảo đầu vào cho sản xuất và xuất khẩu trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng hiện hữu và có thể xảy ra thường xuyên. Nhiều nước trên thế giới đang thực hiện chiến lược đa dạng hóa các chuỗi cung ứng, thành lập các liên minh hoặc ký kết các hiệp định với đối tác về chuỗi cung ứng.

Do vậy, việc đầu tiên để duy trì sản xuất và xuất khẩu là phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng đầu vào, nhất là với các mặt hàng sản xuất, xuất khẩu chủ lực như nguồn cung về phân bón, nguồn cung về nguyên phụ liệu dệt may, da giày… Theo ông Đỗ Quốc Hưng, trước đây chúng ta chỉ tập trung nhập khẩu đầu vào tại một số thị trường lớn và quen thuộc thì nay, chúng ta đã nghiên cứu và tìm kiếm thêm một số đối tác có thể cung cấp nguyên phụ liệu đầu vào có chất lượng với giá thành hợp lý như Ấn Độ và Pakistan ở khu vực Nam Á.

Thứ hai, các doanh nghiệp sản xuất cần chuyển đổi nhanh và mạnh sang sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn, trong lĩnh vực nông nghiệp chuyển đổi nông nghiệp hữu cơ. Các thị trường nhập khẩu ngày càng yêu cầu cao về tiêu chuẩn xanh sạch, tiêu chuẩn môi trường và tiêu chuẩn lao động.

Thứ ba, tiếp tục mở rộng thị trường, nhất là các thị trường ngách để gia tăng thị phần xuất khẩu. Ông Đỗ Quốc Hưng cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn còn dư địa mở rộng thị phần, tận dụng cơ hội xuất khẩu vào thị trường ngách mà chúng ta thường chưa khai thác, ngay cả các thị trường gần là Trung Quốc.

“Hai tỉnh của Trung Quốc giáp với Việt Nam là Vân Nam và Quảng Tây có dân số ngang nhau, khoảng 50 triệu người. Thời gian vừa qua, các doanh nghiệp xuất khẩu của chúng ta chỉ tập trung vào thị trường Quảng Tây với kim ngạch xuất khẩu khoảng 30 tỷ USD/năm nhưng tỉnh Vân Nam, kim ngạch xuất khẩu của chúng ta khoảng 3 tỷ USD. Hay thị trường Ấn Độ, châu Phi kim ngạch nhập khẩu khoảng 600 tỷ USD nhưng tại Ấn Độ, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chiếm khoảng 1/4 còn tại châu Phi là 0,8%” – ông Đỗ Quốc Hưng thông tin.

Thứ tư, tiếp tục khai thác các thị trường theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia với nhiều ưu đãi thuế quan. Đặc biệt, dự kiến cuối tháng 7, Việt Nam ký kết FTA với Isarel, sau đó là UAE.

Nhiều cơ hội mở rộng xuất khẩu từ thị trường ngách

Các loại nông sản Việt Nam được bày bán và xuất khẩu qua hệ thống phân phối AEON Nhật Bản

 

Cuối cùng, kết nối đưa hàng vào hệ thống phân phối ở nước ngoài mà thời gian qua các doanh nghiệp chưa khai thác hiệu quả. Đơn cử, tại hệ thống phân phối AEON Nhật Bản có hơn 3000 nhà cung cấp nhưng có khoảng 300 nhà cung cấp Việt Nam. Số lượng khiêm tốn này, do doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu khắt khe của tập đoàn.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu qua hệ thống phân phối nước ngoài, ông Đỗ Quốc Hưng cho biết thêm, Bộ Công Thương đã triển khai Đề án đưa hàng hoá Việt Nam vào hệ thống phân phối nước ngoài đến năm 2030. Đây là kênh phân phối, hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm hàng hoá Việt Nam có hiệu quả.

Về nội dung này, ông Matsumoto Nobuyuki – Trưởng đại diện JETRO tại TP Hồ Chí Minh thông tin, Việt Nam được đánh giá đứng ở vị trí số 1 trong con mắt các nhà đầu tư Nhật Bản tại châu Á. Tuy nhiên, để xuất khẩu sản phẩm, hàng hoá Việt Nam vào Nhật Bản không dễ. Theo ông Matsumoto Nobuyuki, thị trường Nhật Bản đề cao sản phẩm đạt chất lượng, an toàn, đảm bảo sức khoẻ; sản phẩm đảm bảo tính bền vững trong sản xuất kinh doanh

Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần định vị thương hiệu của mình trong tâm trí người tiêu dùng, kết nối B2B với các đối tác Nhật Bản. Theo ông Matsumoto Nobuyuki, năm nay dự kiến có nhiều đoàn doanh nghiệp Việt Nam kết nối với các doanh nghiệp Nhật Bản, JETRO sẵn sàng chia sẻ thông tin và giới thiệu các đối tác cho các doanh nghiệp Việt Nam.