Đây là chia sẻ của ông Tống Ngọc Thắng – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vật tư và Thiết bị toàn bộ (Matexim – Chủ đầu tư Dự án Nhà máy Luyện kim phi cốc) với DĐDN. Tuy nhiên, vị lãnh đạo Matexim cũng cho biết, quy trình thực hiện diễn ra “tương đối chậm chạp” bởi nhiều vướng mắc, khó khăn.

Nhà máy luyện kim phi cốc gần 8 năm “phủ bụi”: Phương án nào “hồi sinh”?

Dây chuyền thiết bị tại Nhà máy có dấu hiệu xuống cấp. Ảnh: N.Q

Nợ “chồng chất” sau 8 năm “phủ bụi”

Theo đó, Dự án Nhà máy Luyện kim phi cốc (sản xuất sắt xốp) tại Khu công nghiệp Thanh Bình của tỉnh Bắc Kạn có tổng mức đầu tư hơn 490 tỉ đồng, với quy mô 100.000 tấn/năm. Dự án này do Matexim, công ty con của Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) đầu tư.

Đáng chú ý, Dự án được hoạt động từ tháng 3/2013 đến cuối năm 2015, sau đó dừng hoạt động cho tới nay. Theo báo cáo của Matexim, nguyên nhân chính khiến Nhà máy ngừng hoạt động là do thời điểm đi vào sản xuất, thị trường sắt thép thế giới và Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, giá thành sản xuất cao hơn giá bán và các nhà máy thép ở Việt Nam không có thói quen sử dụng sắt xốp trong sản xuất thép.

Cũng theo Báo cáo của Matexim cho thấy, tổng giá trị đầu tư cho dự án rất lớn, trong đó, phần nhiều là nguồn vốn vay, vốn huy động nên khi nhà máy dứng hoạt động đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính của Matexim. Cụ thể, tính đến hết tháng 6/2023, Matexim đang nợ VEAM 327,2 tỷ đồng; nợ các tổ chức tín dụng 137,1 tỷ đồng (trong đó: 86,3 tỷ đồng nợ gốc và 50,8 tỷ đồng lãi quá hạn). Còn Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) đã phân loại Matexim thuộc nợ nhóm 5 (nợ xấu không có khả năng thu hồi).

“Matexim không thể huy động được vốn để phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh khiến doanh thu thương mại, dịch vụ sụt giảm nghiêm trọng…mọi hoạt động của Matexim đều trong trạng thái cầm chừng, duy trì. Do vậy, nếu nhà máy tiếp tục dừng hoạt động thì Matexim khó có khả năng trả nợ”, Báo cáo nêu.

Địa phương tạo mọi điều kiện

Theo tìm hiểu, ngày 21/6/2023 vừa qua, UBND tỉnh Bắc Kạn đã có Công văn số 3881/UBND- GTCNXD gửi đích danh đồng chí Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị hỗ trợ giải quyết tồn tại, vướng mắc tại Nhà máy luyện kim phi cốc.

Tại Công văn này, UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc, cũng như tổ chức các buổi làm việc với Matexim, đại diện cổ đông chi phối là VEAM để sớm tái câu trúc, đôn đốc và xử lý dứt điểm các tồn tại. Bộ Công Thương cũng đã có Văn bản chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện tại Văn bản số 1278/BCT-KH ngày 15/3/2022, và Văn bản số 292/TB-BCT ngày 06/12/2022.

Cũng tại Công văn này, UBND tỉnh Bắc Kạn khẳng định, địa phương cam kết luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để Nhà máy hoạt động trở lại, cũng như tái cấu trúc đầu tư dự án phù hợp theo quy định của pháp luật hiện hành. “Tuy nhiên, đến nay các đơn vị triển khai rất chậm, trong khi máy móc, dây chuyền thiết bị và nhà xưởng tại Nhà máy có dấu hiệu xuống cấp, gây lãng phí tài sản và quỹ đất công nghiệp của tỉnh”, UBND tỉnh Bắc Kạn đánh giá.

Nhà máy luyện kim phi cốc gần 8 năm “phủ bụi”: Phương án nào “hồi sinh”?

Nhà máy Luyện kim phi cốc tại Khu công nghiệp Thanh Bình của tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: V.D

Vì sao còn vướng mắc?

Trao đổi với DĐDN xung quanh nội dung này, ông Tống Ngọc Thắng – Tổng Giám đốc Matexim cho biết, trước những ảnh hưởng tiêu cực từ việc Nhà máy luyện kim phi cốc dừng hoạt động, từ khoảng giữa năm 2018, Ban điều hành Matexim đã xây dựng phương án tăng vốn điều lệ. Mục đích trả nợ VEAM và Ngân hàng để Matexim có cơ hội kêu gọi đa dạng nguồn vốn đầu tư cho hoạt động sản xuất tại khu vực này. Tuy nhiên quá trình tăng vốn diễn ra tương đối chậm chạp.

Cụ thể, ngày 07/3/2019, Đại hội đồng cổ đông Matexim có Nghị quyết thông qua phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tăng vốn điều lệ thêm 365 tỷ đồng. Trên cơ sở được cổ đông chi phối VEAM đồng ý thông qua, Bộ Công Thương đã đồng ý về mặt chủ trương.

Vị lãnh đạo Matexim cũng cho biết, sau nhiều lần điều chỉnh và bổ sung một số các nội dung theo yêu cầu của VEAM. Ngày 8/8/2022, Matexim hoàn thiện xong phương án tăng vốn điều lệ do Công ty CP chứng khoán quốc gia (NSI) lập.

Tiếp đến, ngày 06/12/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Văn bản số 292/TB-BCT hướng dẫn, chỉ đạo VEAM phân tích lựa chọn trình phương án tốt nhất để Bộ xem xét, phê duyệt.

Tổng Giám đốc Matexim cũng thông tin thêm, đến nay, VEAM vẫn đang hoàn thiện báo cáo trình Bộ Công Thương, Matexim vẫn chờ VEAM có ý kiến chỉ đạo để tiếp tục thực hiện. “Quá trình tăng vốn điều lệ để xử lý dứt điểm tình trạng khó khăn hiện nay chưa có thời gian ấn định và còn nhiều vướng mắc. Đặc biệt là quy trình thực hiện các bước của VEAM”, ông Tống Ngọc Thắng – Tổng Giám đốc Matexim thẳng thắn nhìn nhận.

Kiểm tra thực tế Nhà máy Luyện kim phi cốc ngày 16/7 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với tỉnh Bắc Kạn và các cơ quan nghiên cứu giải pháp khôi phục lại hoạt động của Nhà máy, không để lãng phí nguồn lực, tạo công ăn việc làm cho người lao động.