Kinh tế Việt Nam có nhiều tín hiệu phục hồi và khởi sắc

Kinh tế Việt Nam có nhiều tín hiệu phục hồi và khởi sắc.

Dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê (GSO), Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2023 tăng 0.88% so với tháng trước và tăng 2,96% so với cùng kỳ năm trước, xấp xỉ so với mức tăng 2,89% của tháng 8/2022. Bình quân 8 tháng năm 2023, CPI tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,57%.

So với tháng trước, CPI tháng 8 tăng chủ yếu do giá gạo trong nước tăng cao theo giá gạo xuất khẩu do lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, Nga, UAE, xung đột chính trị và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino đã khiến thị trường gạo toàn cầu diễn biến phức tạp. Chỉ số giá nhóm gạo tăng 4,41% so với tháng trước, tác động vào chỉ số nhóm lương thực tăng tăng 3,28%.

Ngoài ra, trong tháng 8 trải qua 3 đợt điều chỉnh giá xăng dầu làm cho giá xăng tăng 9,85% so với tháng trước, giá dầu diezen tăng 15,9%. Tuy nhiên, CPI bình quân vẫn thể hiện xu hướng giảm điểm, chủ yếu vẫn là nhờ bình quân giá xăng, dầu trong nước 8 tháng năm 2023 giảm 17,56% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 11,3% do ảnh hưởng bởi giá dầu brent thế giới tháng 8 giảm mạnh 33% từ mức đỉnh (-12,8% so với cùng kỳ).

Kinh tế Việt Nam có nhiều tín hiệu phục hồi và khởi sắc

MBS kỳ vọng, lạm phát sẽ tăng nhẹ trong những tháng tới và trung bình cả năm 2023 sẽ dao động ở mức 3,4% dựa trên các yếu tố sau. Đầu tiên, trong 8 tháng đầu năm chi phí giáo dục và vật liệu xây dựng đã tăng đáng kể lần lượt là 7,2% và 6,6% so với cùng kỳ. Giá nhóm gạo sẽ tăng do ảnh hưởng bởi các lệnh hạn chế xuất khẩu gạo trên thế giới. Điều này sẽ tạo ra cơ hội cho xuất khẩu gạo của nước ta, đồng thời kéo theo giá nội địa tăng lên. Cuối cùng, giá dầu cho đến nay đã tăng 18% so với mức đáy vào tháng 6 và dự kiến sẽ duy trì ở mức trên 83 USD /thùng vào cuối năm.

Theo MBS, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2023 ước đạt 32,37 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng trước và giảm 7,6% so với cùng kỳ. Xuất khẩu 8 tháng ước đạt 227,71 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu có tăng trưởng âm lớn nhất bao gồm điện thoại linh kiện (-15.4% svck), giày dép (-17.6% svck), gỗ và các sản phẩm từ gỗ (- 25.4%), thủy sản (-25% svck).

Kinh tế Việt Nam có nhiều tín hiệu phục hồi và khởi sắc

Về thị trường xuất khẩu 8 tháng năm 2023, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 53 tỷ USD, giảm 21% so với cùng kỳ; xuất siêu sang EU ước đạt 19,6 tỷ USD, giảm 9,7% so với cùng kỳ; xuất siêu sang Nhật Bản 1,5 tỷ USD (năm ngoái nhập siêu 146 triệu USD). Tuy nhiên, xuất khẩu vẫn ghi nhận những điểm sáng trong tăng trưởng bao gồm xuất khẩu gạo (+37.3% svck), phương tiện vận tải và phụ tùng (+15.3% svck), rau quả (+68% svck).

Về đầu tư, MBS cho biết, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 8 tháng năm 2023 ước đạt 13,1 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 10,75 tỷ USD (chiếm 82,1% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 863,5 triệu USD (chiếm 6,6%); hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 625,9 triệu USD, (chiếm 4,8%).

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ là điểm nhấn tích cực với thị trường trong tháng 9. Theo đó, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ vào ngày 10/9 có thể sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác thương mại giữa 2 bên. Bên cạnh đó, BVSC cũng kỳ vọng sẽ có thêm các dự án FDI mới được ký. Kể từ sau chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc vào cuối tháng 6 vừa qua, đã có thêm hơn 1,1 tỷ USD vốn FDI đăng ký từ Hàn Quốc vào Việt Nam chỉ trong 1 tháng.

Kinh tế Việt Nam có nhiều tín hiệu phục hồi và khởi sắc

Bên cạnh đó, xuất khẩu sang Mỹ có cơ hội cải thiện. Hàng tồn kho tại thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ đang tạo đáy sẽ giúp cho hoạt động xuất khẩu phục hồi tốt hơn trong các tháng cuối năm 2023. Cùng với việc đồng USD lên giá cũng sẽ tạo tác động tích cực đến lợi nhuận các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Theo BVSC, Việt Nam có cơ hội thu hút mạnh dòng vốn FDI khi rủi ro địa chính trị đã ảnh hưởng đến sự vận động của dòng vốn FDI toàn cầu. Với việc tham gia vào nhiều Hiệp định thương mai, là đối tác chiến lược của nhiều nước lớn, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng sẽ giúp Việt Nam duy trì môi trưởng kinh doanh ổn định để thu hút thêm vốn FDI.

“Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam có thêm cơ hội thu hút được các dự án FDI mới. Trong bối cảnh này, chúng tôi đánh giá cao tiềm năng của nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp trong thời gian tới”, BVSC đánh giá.