Chuyên gia kinh tế, GS. Hà Tôn Vinh chia sẻ về quy định hàng “made in Vietnam” (sản xuất tại Việt Nam), đã được Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ xây dựng từ năm 2018 nhưng sau 5 năm vẫn chưa thể ban hành.

Không nhất thiết phải “loay hoay” với “made in Vietnam”

Gần 60% doanh nghiệp công nghệ thông tin chuyển từ gia công sang “make in Vietnam”.

Theo GS. Hà Tôn Vinh, ngày nay Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc trong danh sách các nước xuất khẩu hàng may mặc và da giày sang Mỹ. Những sản phẩm này tại Mỹ gắn “made in Vietnam” ngày càng phổ biến và có thể hiểu đó là thương hiệu gia công.

“Thế giới ngày nay đã thay đổi nên không nhất thiết phải loay hoay trong tiêu chuẩn “made in Vietnam” cho thị trường nội địa. Việt Nam sau này nói nhiều về khái niệm “make in Vietnam” (hãy đến và sản xuất tại Việt Nam) là khái niệm rất hay và cần thiết”, GS. Hà Tôn Vinh nói.

GS. Hà Tôn Vinh đánh giá, “Make in Vietnam” như một lời kêu gọi nhà đầu tư hãy đến sản xuất tại Việt Nam. Đó là bước đi chiến lược và Việt Nam lúc này rất cần cho một chiến lược “make in Vietnam”. Có được hàng hóa “make in Vietnam” thì hàng “made in Vietnam” không thành “vấn đề”.

Trao đổi về quy định, tiêu chí “sản xuất tại Việt Nam” bây giờ có cần thiết không? Chuyên gia tư vấn chiến lược Đỗ Hòa cho rằng tiêu chí này không còn cần thiết, “cần kíp” nhất lúc này là các quy định đơn giản hơn và không tốn nhiều chi phí.

“Bởi hàng hóa sản xuất lúc này là cần bán được, tăng thị phần, chất lượng, chính sách tập trung các yếu tố cạnh tranh được tại thị trường trong nước và mở rộng ra nước ngoài mới quan trọng”, ông Hòa nêu quan điểm.

Vẫn theo chuyên gia tư vấn chiến lược Đỗ Hòa, thực tế sở hữu thương hiệu mới quan trọng. Thế giới tràn ngập giày Nike “made in Vietnam”, “made in China” nhưng người tiêu dùng mua nó bởi chịu trách nhiệm về đôi giày đó cuối cùng là người Mỹ. 

Bình luận về chiến lược “make in Vietnam”, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC cho rằng “make in Vietnam” không chỉ là con người Việt Nam mà cả các công ty nước ngoài tại Việt Nam làm ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Chúng ta cần làm những công việc có năng suất công nghệ và hàm lượng khoa học kỹ thuật cao, đây là con đường thoát bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam. “Nếu chúng ta có chiến lược và con đường đi đúng thì chúng ta có thể đi nhanh hơn các quốc gia đã thành công khác”, ông Chính bày tỏ.

Còn theo ông Nguyễn Thành Nam, cựu CEO FPT,  “make in Vietnam” chính là một tuyên bố quyết tâm giành độc lập về mặt công nghệ được đưa ra đúng thời điểm, khi Việt Nam đang trở thành một điểm thu hút đầu tư lớn. Tuy nhiên, để “Make in Vietnam” thành hiện thực, ông Nam cho rằng cần phải hội tụ một số điều kiện.

Thứ nhất, phải đặt ra được bài toán rõ ràng. Việt Nam có cơ hội, có thị trường với 100 triệu dân và mức thu nhập tăng không ngừng. Nhưng một hạ tầng xã hội thô sơ, dân trí thấp, pháp luật lỏng lẻo, đang làm cho các vấn đề đan xen nhau, phụ thuộc nhau, rất khó có thể bóc tách thành những bài toán rõ ràng để dùng công nghệ giải quyết.

Thứ hai, thời cơ. Trong thời đại toàn cầu hóa, ở đâu có cơ hội ở đó có cạnh tranh. Cơ hội càng lớn cạnh tranh càng khốc liệt. Chúng ta không nên và không thể đối đầu với thế giới. Ngược lại, chúng ta cần mềm dẻo, tận dụng tối đa lợi thế của người đi sau.

Chọn lĩnh vực nào, tài chính hay hậu cần, giao thông hay y tế, chăn nuôi hay giáo dục? Đứng trên toàn cục, thì cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung chắc chắn sẽ tạo ra những cơ hội to lớn cho ngành công nghệ Việt Nam chủ động giải quyết các vấn đề của Việt Nam.

Thứ ba, cần có một thủ lĩnh ở tầm cỡ quốc gia để khi thời cơ đến thì biết cách chớp lấy một cách quyết liệt. Người thủ lĩnh phải là người tập hợp được tất cả các lực lượng, công nghệ, tài chính, chuyên ngành, pháp luật. Không phân biệt người Việt trong nước hay ngoài nước. Không phân biệt công ty to hay công ty nhỏ.