GS.TS Hoàng Văn Cường – Uỷ viên Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân chia sẻ với DĐDN bên hành lang “Diễn đàn phát triển kinh doanh: Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 19/7.

Hỗ trợ cầu tiêu dùng doanh nghiệp để “vực dậy” nền kinh tế

Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp.

– Ông bình luận như thế nào về nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng năm 2023?

Như chúng ta đã biết, có rất nhiều các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 đều trong tình trạng bị sụt giảm. Điều này bị tác động bởi sự thu hẹp thị trường của toàn thế giới, từ đó gây ảnh hưởng đến các khu vực sản xuất và xuất khẩu.

Do gặp khó khăn trong xuất khẩu nên hàng nhập khẩu là những nguyên liệu đầu vào cho sản xuất cũng không có nhu cầu, từ đó dẫn đến nhu cầu nhập khẩu cũng bị giảm sút.

Mặc dù thặng dư về thương mại xuất khẩu dương, nhưng xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm. Điều nay phản ánh việc tiếp cận thị trường quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam đang rất khó khăn. Chúng ta chỉ nhìn thấy có sự ổn định với các mặt hàng nông sản, thực phẩm.

– Trong 6 tháng đầu năm cũng ghi nhận sự khó khăn của doanh nghiệp, như khó tiếp cận vốn vay, đứt gãy chuỗi cung ứng… Ông đánh giá như thế nào về những khó khăn này?

Trong 6 tháng đầu năm chúng ta đã nhìn thấy nền kinh tế khó khăn trên tất cả các phương diện, không chỉ riêng với lĩnh vực xuất khẩu, kể cả các doanh nghiệp không phải trực tiếp cũng bị đình trệ, thị trường bị thu hẹp.

Chúng ta nhìn thấy có 4 yếu tố cầu để tạo nên thị trường của các doanh nghiệp, thì cầu lớn nhất là cầu thị trường quốc tế lại bị thu hẹp.

Việc này không chỉ làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp như FDI, những doanh nghiệp trực tiếp sản xuất xuất khẩu… mà còn ảnh hưởng đến rất nhiều các ngành khác có yếu tố liên quan, như quan hệ liên kết, các quan hệ cung ứng đầu vào cho các ngành.

Bên cạnh đó, do doanh nghiệp bị đình trệ nên cầu tiêu dùng cá nhân không phát triển dẫn đến thu nhập của người lao động bị sụt giảm, nhiều lao động bị sa thải. Từ đó dẫn đến cầu trong nước bị thu hẹp rất mạnh.

Cầu thứ ba rất quan trọng là cầu của các doanh nghiệp, đó là nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường không tiêu thụ được, hiệu quả kinh doanh thấp cho nên phần lớn các doanh nghiệp hiện nay đang phải “dừng chân” trong tình cảnh phá sản, đóng cửa, rút khỏi thị trường ngày càng cao và có xu hướng tăng lên.

Trong khi, các doanh nghiệp tham gia mới hoặc quay trở lại thị trường lại có xu hướng giảm đi. Điều này cho thấy cầu của khu vực doanh nghiệp đang thấp. Chỉ số quản trị mua hàng trong 6 tháng liên tiếp thấp dưới mức 50 điểm. Điều này chứng tỏ chúng ta chưa nhìn thấy thị trường của các doanh nghiệp trong tương lai.

Chỉ còn một phần duy nhất là cầu đầu tư công chính phủ. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư công cũng chưa thực sự có sự “bứt phá”. Bởi, cơ hội đầu tư công mặc dù có nhanh hơn so với các năm trước, nhưng so với yêu cầu về giải ngân vẫn chưa đạt được như mong muốn.

Đầu tư công chúng ta mới chỉ hướng đến hạ tầng, nhưng yếu tố này tác động rất dài hạn đến nền kinh tế mà chưa phải tác động ngay lập tức. Yếu tố này có tác động tạo ra công ăn việc làm, tạo tác động lan toả nhưng không phải thay đổi mang tính đột biến.

Trong khi, các chính sách công hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp mặc dù có một số chính sách phát huy tác dụng,  nhưng cũng còn một số chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Đơn cử, có nhiều doanh nghiệp chưa được tiếp cận các gói hỗ trợ như lãi suất. Do đó, các doanh nghiệp còn có những khó khăn bên ngoài, cùng với khó khăn hỗ trợ về nguồn lực đã làm cho hoạt động của các doanh nghiệp hiện nay đang còn gặp nhiều khó khăn.

– Vậy, ông có đề xuất gì để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2023?

Thứ nhất, phải tăng tổng cầu. Như tôi đã phân tích, có 4 yếu tố liên quan đến cầu, thì yếu tố cầu trong nước chúng ta có thể “chủ động”.

Cầu đầu tư công chính phủ cần được khơi thông và đẩy mạnh. Tăng cầu chính phủ thông qua việc thực hiện các chính sách hỗ trợ tài khoá cho các doanh nghiệp. Ví dụ, miễn, giảm, hoãn các khoản đóng góp, tăng các khoản hỗ trợ lãi suất. Tăng kích cầu cá nhân của người tiêu dùng, như giảm VAT cần kéo dài hơn không chỉ dừng lại trong năm 2023.

Thứ hai, cần nghiên cứu đến các khoản đóng góp của doanh nghiệp và người dân vào các quỹ, như bảo hiểm xã hội, quỹ công đoàn… để các doanh nghiệp giảm bớt phần phải đóng góp, người lao động sẽ có thêm một phần thu nhập để tăng cầu tiêu dùng.

Thứ ba, mấu chốt quan trọng nhất là hỗ trợ cầu cho tiêu dùng doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể phục hồi, phát triển thông qua hỗ trợ nguồn vốn với giá ưu đãi, bên cạnh các chính sách lãi suất của ngân hàng có thể điều chỉnh tiếp tục giảm, Chính phủ cũng cần hỗ trợ lãi suất, thêm các cầu của Chính phủ cho doanh nghiệp, như các đơn đặt hàng cho doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể nhanh chóng phục hồi.

Trân trọng cảm ơn ông!