Mới đây, đánh giá về tác động của chính sách tài khóa, TS. Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng các dự án đầu tư công đã hoàn thành đang đóng góp trực tiếp lại cho nền kinh tế khi giúp giảm chi phí vận hành, chi phí logistics.

Giám đốc Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế cho rằng chính sách tài khóa từ đầu năm đến nay chủ động và kịp thời, có hiệu lực và tác động thực sự đến nền kinh tế. Trong bối cảnh bên ngoài không thuận lợi, xuất nhập khẩu giảm kéo tổng cầu giảm, chính sách tài khóa thực hiện hiệu quả là yếu tố vô cùng quan trọng giúp kinh tế đạt mức tăng trưởng 3,72% trong 6 tháng đầu năm.

Đầu tư công khơi thông các động lực tăng trưởng

TS. Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương

Lý giải vì sao Việt Nam không thể thực hiện chính sách tài khóa hào phóng như các nước đã làm trong giai đoạn COVID-19, TS. Nguyễn Tú Anh cho biết do nguồn thu của chính sách tài khóa bắt đầu có dấu hiệu không đạt như mong muốn. Trong 7 tháng đầu năm thu qua cơ quan thuế giảm 5,5% so với cùng kỳ, giảm nhiều nhất là khoản thu từ đất, thu từ thuế và phí giảm 1,4%.

Vì vậy theo TS. Nguyễn Tú Anh, trong bối cảnh hiện nay, cần thận trọng trong điều hành vĩ mô. Khi thực hiện chính sách tài khóa vừa phải hỗ trợ nền kinh tế, vừa phải giữ được ổn định vĩ mô.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong năm nay tổng giá trị vốn đầu tư công cần giải ngân khoảng 800.000 tỷ đồng, tương đương hơn 33 tỷ USD. Ước tính đến tháng 8 đã giải ngân được gần 50%, tương đương còn khoảng 16,5 tỷ USD chưa giải ngân trong 4 tháng cuối năm.

Đầu tư công khơi thông các động lực tăng trưởng

Các dự án đầu tư công đã hoàn thành đang đóng góp trực tiếp lại cho nền kinh tế khi giúp giảm chi phí vận hành, chi phí logistics

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, VPBankS Research nhận định nhận định lượng vốn này sẽ tạo ra sức cầu rất tốt cho nền kinh tế, đầu tư công là vốn mồi hỗ trợ cho các ngành nghề, lĩnh vực khác. Chính vì vậy, trong năm nay mặc dù tăng trưởng kinh tế không đạt được mục tiêu như Chính phủ kỳ vọng nhưng vẫn ở mức khoảng 5-5,5%, tốt hơn nhiều các nền kinh tế trong khu vực.

Cũng theo nhóm phân tích VPBankS, đầu tư vào xây dựng hạ tầng đang là tâm điểm của năm khi kế hoạch đầu tư công tăng 22% so với năm 2022 và tỷ lệ đóng góp vào GDP tăng mạnh, ước tính khoảng 6,9% vào kế hoạch năm 2023.

Cụ thể, vốn đầu tư công phân bổ thực hiện các dự án hạ tầng giao thông tăng mạnh, gấp 1,9 lần so với cùng kỳ. Đồng thời, tỷ lệ giải ngân cũng tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm đem lại nguồn vốn lớn được bơm cho các dự án hạ tầng giao thông, kỳ vọng đem lại nguồn backlog rất lớn cho các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng. Từ đây, cải thiện rõ rệt đầu ra cho các doanh nghiệp thuộc ngành xây dựng hạ tầng, giúp kích cầu không chỉ ngành xây dựng mà cả các ngành nghề liên quan.

Đầu tư công khơi thông các động lực tăng trưởng

” Nguồn vốn đầu tư công sẽ tạo ra sức cầu rất tốt cho nền kinh tế” – ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, VPBankS Research

Nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê – ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng việc giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công có tác động trực tiếp và lan tỏa tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Cứ giải ngân 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,62 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước. Đồng thời, giải ngân vốn đầu tư công tăng 1% so với năm trước sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm 0,06%. Nếu năm 2023 giải ngân được 95% kế hoạch vốn đầu tư công sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm 1,3%.

Trong bối cảnh đó, với sự chủ động và khẩn trương thúc đẩy giải ngân của Chính phủ, vốn đầu tư công được giải ngân trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy, đóng vai trò “gánh vác và bù đắp” tăng trưởng kinh tế cho các động lực khác trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng cho rằng công tác tổ chức thực hiện giải ngân vốn đầu tư công còn nhiều hạn chế, người đứng đầu còn thiếu quyết tâm, chưa sâu sát đôn đốc thực hiện. Vì vậy, mới đây Thủ tướng đã có công điện 749 về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm.

Thủ tướng đã chỉ đạo thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công – ông Lâm cho biết thêm.

Còn TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia nhận định chưa khi nào Chính phủ quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công như hiện nay. Sau khi giải toả được yếu tố “sợ trách nhiệm” của các địa phương, có vẻ như giải ngân vốn đầu tư công ngày càng thuận lợi.

Các vấn đề còn tồn tại của nền kinh tế đang được Chính phủ tích cực tháo gỡ với quyết tâm rất lớn. Chính phủ còn dự kiến đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công bằng việc kiểm soát lại toàn bộ mỏ vật liệu của các tỉnh.

Như vậy, nếu việc giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh trong phần còn lại của năm nay cũng sẽ trở thành yếu tố thu hút sự chú ý của dòng tiền đến các cổ phiếu có hoạt động kinh doanh liên quan đến các dự án đầu tư công trọng điểm của Chính phủ.