Sáng ngày 14/7, Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) tổ chức Hội nghị thường niên Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế tại TP Đà Nẵng. Chuỗi sự kiện đã thu hút gần 300 doanh nghiệp logistics quốc tế là các nhà cung cấp dịch vụ logistics từ 50 quốc gia Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và các doanh nghiệp quan tâm tìm kiếm cơ hội hợp tác, phát triển logistics của khu vực này. Thông qua sự kiện nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của các doanh nghiệp logistics trong khu vực đầy tiềm năng như Châu Á – Thái Bình Dương.

Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA) Ivan Petrov cho biết đơn vị là đại diện cho các doanh nghiệp giao nhận hàng hóa tại 150 quốc gia. Theo thông tin, FIATA bao gồm 109 thành viên Hiệp hội và hơn 6.000 thành viên cá nhân.

“FIATA hoạt động ở cấp độ quốc tế để đại diện cho dịch vụ các nhà cung cấp hoạt động trong lĩnh vực hậu cần thương mại và chuỗi cung ứng sự quản lý, đồng thời đơn vị cũng thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại và các thông lệ tốt nhất giữa các cộng đồng giao nhận vận tải. Song song với đó, FIATA ủng hộ việc tạo thuận lợi cho thương mại và đóng góp tích cực vào hoạt động của chuỗi cung ứng thông qua sự hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan”, Ivan Petrov nói.

Bình quân hàng năm thị trường logistics Việt Nam tăng từ 14-16%

Hội nghị thường niên Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế do Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức sáng ngày 14/7.

Chia sẻ tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay với vị trí địa chính trị đặc biệt, nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao lưu mạnh. Cùng với sự hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu và thương mại điện tử luôn ở mức hai con số, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các hoạt động logistics trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

“Theo Báo cáo của Ngân hàng thế giới công bố năm 2023, Việt Nam đứng vị trí thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics, thuộc nhóm 5 nước đứng đầu ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng vị trí với Philippines. Tốc độ tăng trưởng thị trường logistics Việt Nam bình quân hàng năm từ 14-16%, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2022 lên 730 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2021”, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin.

Bình quân hàng năm thị trường logistics Việt Nam tăng từ 14-16%

Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA) Ivan Petrov cho hay đơn vị đại diện cho các doanh nghiệp giao nhận hàng hóa trên 150 quốc gia.

Cũng theo Thứ trưởng Tân, dịch vụ logistics không chỉ góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập mạng lưới vận chuyển hiệu quả, kết nối thương mại trong nước với các thị trường quốc tế. Vừa qua, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dịch vụ logistics quy định tại Nghị định 96/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022.

“Trong bối cảnh ngành dịch vụ logistics đang đối mặt với nhiều thay đổi khó lường và sự phát triển của khoa học công nghệ, xu hướng toàn cầu hóa đang mở ra nhiều cơ hội mới cùng với những thách thức cho ngành logistics, Hội nghị thường niên Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận vận tải quốc tế năm nay được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng là cơ hội quý báu để các Hiệp hội, doanh nghiệp dịch vụ logistics và xuất nhập khẩu của Việt Nam và các nước trong khu vực có dịp gặp gỡ, trao đổi cơ hội hợp tác kin doanh cũng như chia sẻ những kinh nghiệm phát triển dịch vụ logistics mở ra cơ hội thúc đẩy xuất nhập khẩu, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nói thêm.

Bình quân hàng năm thị trường logistics Việt Nam tăng từ 14-16%

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay Tốc độ tăng trưởng thị trường logistics Việt Nam bình quân hàng năm từ 14-16%.

Thông tin tại sự kiện, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho hay chuỗi sự kiện là điểm nhấn của ngành logistics và vận tải tại Châu Á, tại đây các doanh nghiệp sẽ tiếp cận được các xu hướng mới nhất và phương pháp hay nhất trong lĩnh vực giao nhận vận tải vào năm 2023. Theo ông Hiệp, Hội nghị AFFA sẽ tập hợp các nhà giao nhận vận tải hàng đầu từ Châu Á tập trung bàn bạc vào những thách thức, xu hướng mới cũng như yêu cầu về phát triển bền vững trong khu vực.

Ở góc độ địa phương, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay địa phương là cửa ngõ quan trọng ra biển của Tây Nguyên và các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar đến các nước vùng Đông Bắc Á thông qua Hành lang kinh tế Đông – Tây. Cùng với đó, Đà Nẵng hệ thống giao thông kết nối liên vùng và khu vực, có chủ trương xây dựng cơ chế kinh tế mở và minh bạch để tạo môi trường thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.

“Thời gian vừa qua Đà Nẵng đã phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên và hạ tầng giao thông, đặc biệt là lợi thế về cảng biển để phát triển hệ thống dịch vụ logistics, lấy dịch vụ vận tải biển và vận tải kết nối cảng biển làm trụ cột phát triển hệ thống logistics trên địa bàn thành phố từng bước đảm nhận vai trò trung tâm logistics của khu vực, cửa ngõ chính ra biển của Hành lang kinh tế Đông – Tây.”, ông Hồ Kỳ Minh cho hay.

Trong giai đoạn tới, ông Minh thông tin dịch vụ logistics tiếp tục được Đà Nẵng xác định là một ngành quan trọng, tác động lớn đến tăng trưởng của thành phố. Thành phố cũng đang quyết liệt triển khai công tác xây dựng Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những định hướng lớn về phát triển hạ tầng, dịch vụ logistics cũng như đẩy nhanh tiến trình đầu tư các dự án trọng điểm trong giai đoạn tới như khu bến Liên Chiểu, trung tâm logistics tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng cũng như các trung tâm logistics, cảng cạn trên địa bàn thành phố.

Tại sự kiện, các chuyên gia cũng đề xuất phương án về cơ chế, chính sách về “hạ tầng mềm”, với cơ chế kiểm soát hải quan, biên phòng, xuất nhập khẩu, kiểm dịch thông thoáng, hiệu quả. Đồng thời, cần có cơ chế phát triển khu thương mại tự do, khu phi thuế quan, khu phân phối tự do, trung tâm logistics siêu lớn…. Song song, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất xung quanh. bên cạnh đó phát triển mạnh các hoạt động thương mại, dịch vụ hậu cần và tài chính như những trụ cột kinh tế hỗ trợ cho hoạt động của các cảng.

Tại phiên họp buổi chiều ngày 14/7, các đại biểu cùng thảo luận các nội dung quan trọng như hành trình số của FIATA, phát triển nhà giao nhận vận tải số, vai trò của Trung tâm logistics trong phát triển vận tải xuyên biên giới và hành lang kinh tế Đông Tây, chương trình đào tạo Hàng hoá Hàng không FIATA-IATA toàn cầu và lợi ích cho khu vực Châu Á – Thái Bình Dương,…