Việc ưu tiên nguồn lực để triển khai phát triển hạ tầng giao thông đã giúp tỉnh Hưng Yên khai thông được nguồn lực, tạo lực đẩy thu hút đầu tư, phát triển kinh tế bền vững.
Giao thông có vai trò đi trước mở đường, bởi các dự án không chỉ mở ra không gian phát triển mới còn thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực có dự án và đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải trên cả nước.
Đường nối 2 cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đang tạo không gian phát triển mạnh mẽ cho tỉnh Hưng Yên (Ảnh: Vũ Phường)
Tăng tốc kết nối, mở rộng không gian phát triển liên vùng
Với vị trí chiến lược nằm ngay trung tâm tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, tỉnh Hưng Yên (mới) sở hữu lợi thế đặc biệt khi tiếp cận trực tiếp các trục giao thông huyết mạch của vùng và quốc gia, bao gồm hệ thống quốc lộ, cao tốc, đường thủy nội địa, cảng biển và trong tương lai là tuyến đường sắt cao tốc. Chính mạng lưới kết nối đa chiều này đang trở thành đòn bẩy quan trọng, tạo dư địa rộng lớn để mở rộng không gian phát triển, thu hút dòng vốn đầu tư chiến lược và thúc đẩy mạnh mẽ các ngành kinh tế mũi nhọn.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Trần Minh Hải, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông - xây dựng tỉnh Hưng Yên cho biết, hiện nay, tỉnh đang tích cực huy động nguồn lực, đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối hiệu quả với các trung tâm kinh tế lớn.
Theo đánh giá của ông Trần Minh Hải, giai đoạn 2020 – 2025 đã ghi dấu một chặng đường nỗ lực vượt bậc và quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị địa phương trong việc phát triển hạ tầng giao thông vận tải. Trên nền tảng các quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch tỉnh, Hưng Yên đã chủ động huy động tối đa các nguồn lực đầu tư, đặc biệt tập trung vào hạ tầng giao thông đường bộ. Nhờ đó, nhiều tuyến đường huyết mạch quan trọng đã và đang được hình thành, từng bước phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần tạo sức bật mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế – xã hội và nâng cao năng lực kết nối vùng của địa phương.
Ông Trần Minh Hải trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp (Ảnh: Vũ Phường)
Các tuyến đường chiến lược có thể kể đến như: Đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; ĐT382B nối vành đai 3,5; đường Tân Phúc - Võng Phan. Trong đó, tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình qua địa phận tỉnh Hưng Yên và tỉnh Ninh Bình (mới) là tuyến đường rất quan trọng trong vùng lõi kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và là động lực phát triển khu vực đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô Hà Nội.
Bên cạnh đó, tuyến đường bộ ven biển, tuyến thành phố Thái Bình - Cồn Vành, thành phố Thái Bình - cầu Nghìn, đường trục Khu kinh tế, vành đai phía Nam thành phố Thái Bình (tên cũ)… đang góp phần kết nối trực tiếp với thành phố Hải Phòng, tỉnh Ninh Bình và các tỉnh lân cận.
Đặc biệt, dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08) đoạn qua tỉnh Nam Định và tỉnh Thái Bình (tên cũ) đã chính thức khởi công. Tuyến đường này giữ vai trò then chốt, kết nối các trục giao thông chính của đồng bằng sông Hồng và các khu kinh tế ven biển phía Bắc, góp phần chia sẻ lưu lượng với QL.10, QL.39 và trục đường ven biển hiện hữu.
Trong tương lai, Hưng Yên sẽ tiếp tục hình thành tuyến đường cao tốc CT.16 - kết nối Khu kinh tế ven biển với khu vực phía Tây Bắc Thủ đô Hà Nội và các vùng kinh tế miền Trung, miền Nam. Các dự án khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện việc kết nối liên vùng, đáp ứng nhu cầu vận tải, kết nối khu đô thị, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Dự án đường Tân Phúc – Võng Phan có chiều dài hơn 29km, tổng mức đầu tư gần 3000 tỷ đồng
Ông Trần Thanh Lương, Phó Giám đốc công ty cổ phần Vinadelta, đơn vị thi công dự án tuyến đường Tân Phúc – Võng Phan, nhận định: “Khi tuyến đường Tân Phúc – Võng Phan hoàn thành sẽ là bước ngoặt chiến lược, thiết lập liên kết vùng mạnh mẽ cho tỉnh Hưng Yên. Trước hết, tuyến đường này phủ kín các điểm kết nối quan trọng trong khu vực, rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển giữa các trung tâm kinh tế, mở ra không gian vận tải song song giữa các trục cao tốc và quốc lộ hiện hữu.
Hưng Yên sẽ hưởng lợi như được “nối mạch” với các vùng đô thị lân cận, đặc biệt là Hà Nội, Hải Phòng và các sân bay lớn, làm nền tảng cho phát triển cụm công nghiệp và logistics đồng bộ. Với vị trí trung tâm tam giác kinh tế quan trọng, kết hợp với hạ tầng vừa hoàn thiện, tỉnh sẽ nâng cao năng lực thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ và lao động. Đây không chỉ là bước đệm để Hưng Yên vươn lên trở thành điểm sáng phát triển địa phương, mà còn góp phần thúc đẩy liên kết vùng một cách bền vững.”
“Chỉ bàn làm, không bàn lùi”
Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông - xây dựng tỉnh Hưng Yên – ông Trần Minh Hải, hưởng ứng phong trào thi đua “500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc”, tập thể Lãnh đạo Ban đã quyết liệt chỉ đạo, xác định công tác đầu tư xây dựng, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Các cuộc họp, văn bản chỉ đạo được triển khai thường xuyên nhằm thúc đẩy tiến độ, yêu cầu các nhà thầu và phòng ban chuyên môn thi công đảm bảo chất lượng, an toàn và tuân thủ quy định về môi trường, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Lãnh đạo Ban trực tiếp kiểm tra hiện trường, phối hợp với địa phương tháo gỡ vướng mắc, yêu cầu xây dựng kế hoạch thi công chi tiết, huy động tối đa nguồn lực, tổ chức thi công “3 ca 4 kíp”, tuyệt đối không để ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Một trong những yếu tố then chốt quyết định sự thành bại của dự án hạ tầng giao thông chính là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) – khâu phải “đi trước một bước” để bảo đảm tiến độ thi công.
Lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên cùng Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải (cũ) kiểm tra tiến độ thi công một dự án trọng điểm trên địa bàn (Ảnh chụp tháng 4/2025)
Nhận thức rõ vai trò đặc biệt quan trọng này, Ban Quản lý dự án đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ GPMB cho các dự án được giao. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng với sự đồng thuận, ủng hộ từ nhân dân, nhiều dự án đã có đủ mặt bằng “sạch” để triển khai thi công đúng kế hoạch. Tuy nhiên, tại một số tuyến, việc chậm trễ trong GPMB vẫn xảy ra, khiến nhiều đoạn chưa có mặt bằng bàn giao cho nhà thầu, buộc phải xin điều chỉnh tiến độ, ảnh hưởng đến mục tiêu hoàn thành dự án đúng hạn.
Để tháo gỡ, ông Trần Minh Hải cho rằng, trước hết, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ GPMB thiết thực, như hỗ trợ thuê nhà, hỗ trợ đất ở đối với diện tích do hộ gia đình, cá nhân lấn chiếm, tự chuyển mục đích trước ngày 1/7/2014,… giúp người dân ổn định đời sống.
Đồng thời, công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện sâu rộng, tạo sự đồng thuận cao từ nhân dân. Ban cũng phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, thường xuyên tổ chức các cuộc họp tháo gỡ vướng mắc. Bên cạnh đó, các thủ tục pháp lý được rà soát linh hoạt, công khai minh bạch, chú trọng đối thoại trực tiếp để giải quyết kiến nghị. Nhờ đó, tiến độ GPMB tại nhiều dự án cơ bản được đảm bảo, tạo thuận lợi cho thi công đúng kế hoạch.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...