Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho biết, trong năm 2024, dự kiến vốn đầu tư khu vực Nhà nước đạt 657.000 tỷ đồng với mục tiêu giải ngân 95%. Trong đó, các dự án tiêu biểu có thể kể đến như: dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột…
Theo TPS, trong 5 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước đạt 190.600 tỷ đồng, tương đương 26,6% kế hoạch năm và tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, vốn do Trung ương quản lý đạt 32.500 tỷ đồng (29,3% kế hoạch năm), và vốn do địa phương quản lý đạt 158.100 tỷ đồng (26,1% kế hoạch năm). Bộ Giao thông vận tải đạt 20.300 tỷ đồng, giảm 19,1%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt hơn 3.000 tỷ đồng, tăng 37%.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến cuối tháng 5/2024, các bộ, cơ quan, địa phương đã phân bổ chi tiết 634.600 tỷ đồng, đạt 95,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Như vậy, số vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết là 29.100 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 7.300 tỷ đồng (của 21 bộ, cơ quan và 20 địa phương), vốn cân đối ngân sách địa phương là 21.800 tỷ đồng (của 24 địa phương).
Cũng theo TPS, đường Vành đai 3 TP.HCM đi qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, giai đoạn 1 dài hơn 76 km, quy mô 4 làn cao tốc cùng đường song hành, tổng mức đầu tư gần 75.400 tỷ đồng. Dự án đã bắt đầu khởi công từ tháng 06/2023. Tính đến thời điểm tháng 2/2024, khối lượng Vành đai 3 qua TP.HCM đạt hơn 11%, qua tỉnh Bình Dương đạt 18% và Long An đạt 25% khối lượng. Riêng dự án qua tỉnh Đồng Nai mới đạt 2% khối lượng. Theo kế hoạch, dự án Vành đai 3 sẽ hoàn thành cơ bản, thông xe dự án cuối năm 2025, khai thác toàn tuyến năm 2026.
Trong khi đó, dự án Sân bay Long Thành là dự án sân bay đạt chuẩn 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) hướng đến trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực. Tổng mức đầu tư của dư án là 336.630 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng và dự kiến khánh thành vào năm 2026. Tính đến đầu tháng 06/2024, nhà thầu thi công hoàn thành 100% kết cấu bê tông dầm sàn tầng 1. Tiến độ thi công theo đánh giá đang vượt tiến độ phần thô 20 ngày và vượt tiến độ tổng thể gói thầu 10 ngày so với tiến độ hợp đồng theo báo cáo từ ACV.
Đánh giá về triển vọng của nhóm ngành vật liệu xây dựng, đối với ngành thép, TPS cho rằng, triển vọng phục hồi nền kinh tế cũng như các đơn hàng thép nội địa có xu hướng thấp hơn dự kiến. Tại Việt Nam, ngành thép có mức độ phụ thuộc lớn vào ngành xây dựng, đầu tư công và bất động sản do sản lượng thép tiêu thụ lớn nhất vẫn là thép xây dựng và các sản phẩm thép liên quan đến các công trình.
Theo một báo cáo từ VNR, ở tất cả các phân khúc xây dựng, tỉ lệ doanh nghiệp bày tỏ lạc quan về triển vọng đều cao hơn so với kết quả khảo sát năm 2023. Việc đẩy mạnh đầu tư công và sự gia tăng nguồn vốn FDI là cơ sở củng cố niềm tin đối với mảng xây dựng hạ tầng và xây dựng công nghiệp. Tuy nhiên, các khó khăn tồn đọng trong thiếu vốn hay nợ đọng cũng ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải ngân và hoạt động ngành xây dựng.
“Sự phục hồi ngành sẽ vẫn hạn chế vì đơn hàng chỉ tập trung chủ yếu với các doanh nghiệp lớn trong khi các doanh nghiệp nhỏ hơn lại gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới. Qua đó, chúng tôi đánh giá khả quan đối với ngành thép với mức tiêu thụ được ước tính phục hồi tăng chỉ từ 10%-15% so với cùng kỳ”, TPS đánh giá.
Với ngành xi măng, TPS cho biết, theo chia sẻ từ nhiều doanh nghiệp xi măng, trong những tháng cuối năm 2024, rủi ro từ nền kinh tế toàn cầu vẫn sẽ tồn tại và tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Mặc dù nhu cầu xi măng trong nước có thể được cải thiện, nhưng khó có thể đạt mức tăng trưởng cao đủ để tiêu thụ hết công suất của các nhà máy hiện tại.
Chính phủ đang ưu tiên nguồn lực triển khai các giải pháp đồng bộ, sẽ đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và triển khai 16 dự án với tổng kinh phí 2,5 tỷ USD để phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Nếu các dự án này sớm được triển khai sẽ là cơ hội lớn cho ngành xi măng phục hồi. Ngoài ra, các dự án lớn như sân bay Long Thành, hay cao tốc Bắc Nam cũng sẽ giúp cho tình hình tiêu thụ xi măng được cải thiện trong các quý cuối năm 2024.
Ngoài ra, tại Trung Quốc, Chính phủ nước này yêu cầu đến cuối năm 2025 sẽ giới hạn công suất clinker tại đây được kiểm soát ở mức 1,8 tỷ tấn và các công nghệ cũ kém phát triển. Do đó, tình hình giá bán trong dài hạn có thể cải thiện tích cực vào đầu 2025 khi một số khách hang phải tìm nguồn cung thay thế.
Đối với triển vọng tiêu thụ ngành đá xây dựng, Công ty Chứng khoán này cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung vào việc tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, với mục tiêu đạt trên 95% kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2024.
“Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ đá xây dựng, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam bộ. Với việc các dự án ở phía Nam trong năm nay có được sự quan tâm, các doanh nghiệp ngành đá xây dựng ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long được kỳ vọng sẽ có sự cải thiện so với năm 2023 nhờ vào lợi thế về địa lý cũng như nhu cầu tăng”, TPS đánh giá.