Giá dầu dự báo sẽ tiếp tục neo cao
Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho biết, giá dầu Brent giảm từ mức cao nhất trong 6 tháng là 91 USD/thùng vào tháng 03/2024 xuống khoảng 83 USD/thùng ở thời điểm hiện tại. Theo báo cáo từ IEA, nhu cầu xăng dầu ở châu Âu giảm do hoạt động công nghiệp yếu và tỷ lệ ô tô sử dụng xăng dầu giảm. Giá dầu bắt đầu tạm thời đảo chiều vào đầu tháng 03/2024, giảm hơn 5 USD/thùng nhờ diễn biến thuận lợi trong các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Israel và Hamas. Tuy nhiên, các động thái thông báo bác bỏ đình chiến và tiếp tục chiến dịch gần đây của Benjamin Netanyahu có thể khiến giá dầu tiếp tục leo thang trong nửa sau 2024.
Theo TPS, nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến tăng 1,1 triệu thùng/ngày cho cả năm 2024, thấp hơn 140 nghìn thùng/ngày so với dự báo trước đó do các đợt giao hàng yếu đặc biệt ở châu Âu và Mỹ khiến nhu cầu dầu OECD giảm trong quý I/2024. Theo thống kê từ IEA, sau khi giảm 210.000 thùng/ngày vào năm 2023, nhu cầu dầu thô tại châu Âu giảm thêm 140.000 thùng /ngày trong quý I/2024 do hoạt động công nghiệp yếu và mùa đông ấm áp đã làm giảm tiêu thụ dầu khí trong năm nay.
“Trong cuối năm nay và năm sau, thị trường nhìn chung sẽ cân bằng hơn ngay khi OPEC+ tiếp tục chính sách cắt giảm tự nguyện. Nguồn cung dầu thế giới dự kiến tăng 580.000 thùng/ngày trong năm nay lên mức kỷ lục 102,7 triệu thùng/ngày, với sản lượng ngoài OPEC+ tăng 1,4 triệu thùng/ngày trong khi sản lượng OPEC+ giảm 840.000 thùng/ngày với giả định rằng việc cắt giảm tiếp tục được duy trì”, TPS nhận định.
Cũng theo Công ty Chứng khoán này, lượng dầu đã lọc toàn cầu đang gần chạm mức thấp tại thời điểm các tháng đầu năm 2024 do công tác bảo trì gia tăng ở lưu vực Đại Tây Dương và hoạt động tại Hoa Kỳ đang phục hồi sau những gián đoạn liên quan đến thời tiết cực lạnh vào tháng Giêng. Tuy nhiên, việc xử lý lọc dầu thô ở các nước ngoài OECD đã tăng tốc trong nửa đầu năm 2024 khi công suất mới được đưa vào hoạt động và các nhà máy mới khởi động gần đây đạt mức xử lý tối đa.
Theo IEA, dự báo lượng dầu được xử lý trong năm nay vẫn giữ nguyên ở mức 83,3 triệu thùng/ngày so với báo cáo tháng trước, nhưng có sự điều chỉnh đáng kể giữa các khu vực và quý. Đáng chú ý, Trung Quốc có mức tăng trưởng thấp hơn trong khi lượng dầu lọc sẽ tăng mạnh hơn ở Mỹ Latinh và châu Phi đã góp phần thay đổi đáng kể tình hình. Nhìn chung, tăng trưởng năm 2024 đã được tăng thêm 80 nghìn thùng/ngày lên mức 1 triệu thùng/ngày.
TPS cũng cho rằng, có nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến giá dầu thô và điều này có thể làm ảnh hưởng đến tính không chắc chắn trong các dự báo. Đồng thời cho biết, có 7 yếu tố chính có thể ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ, bao gồm: nguồn cung (ngoài OPEC), nguồn cung (OPEC), sự cân bằng, giá cả trên thị trường giao ngay, thị trường tài chính, nhu cầu (không thuộc OECD), nhu cầu (OECD).
Triển vọng Tích cực nhóm Thượng nguồn và Trung nguồn
Đánh giá về chu kỳ giá dầu và ảnh hưởng đến ngành dầu khí tại Việt Nam, TPS cho biết, đối với nhóm dịch vụ khai thác, giá dầu sẽ tác động đến nguồn vốn đầu tư vào hoạt động khai thác và thăm dò dầu khí trên các khu vực trên thế giới. Khi giá dầu tăng, lợi nhuận khai thác dầu khí hấp dẫn hơn từ đó thúc đẩy vốn đầu tư vào các dự án khai thác dầu khí. Nguồn vốn đầu tư này tạo ra công việc và đơn giá cao cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khai thác.
Khi giá dầu giảm, lợi nhuận từ việc khai thác trở nên kém hấp dẫn, đặc biệt là ở các khu vực có chi phí khai thác dầu khí cao, khiến vốn đầu tư vào khai thác thăm dò giảm, ảnh hưởng đến khối lượng công việc và đơn giá của các doanh nghiệp khai thác. Chu kỳ kết quả kinh doanh của nhóm này thường trễ khoảng 6-12 tháng so với chu kỳ của giá dầu.
Đối với nhóm dịch vụ vận chuyển, lợi nhuận của nhóm vận chuyển phân phối dầu khí tại Việt Nam được tác động có phần khác nhau phụ thuộc vào sản phẩm vận chuyển và phần phối. Với nhóm dầu khí, lợi nhuận công ty đến từ phí vận chuyển khí và chênh lệch giá khí khô tiêu thụ và khí ẩm mua vào, hưởng lợi khi giá dầu tăng cao do giá khí có mức tương quan lớn với giá dầu Brent. Với nhóm vận tải biển, lợi nhuận chủ yếu phụ thuộc vào cước phí vận chuyển và nhu cầu về xuất nhập khẩu dầu trên thế giới. Do đó, với tình hình phức tạp tại biển Đỏ, cước phí vận chuyển dầu nói chung có nhiêu dư địa tăng trưởng trong nửa cuối năm 2024.
Đối với nhóm dịch vụ phân phối, TPS cho rằng, phân khúc hạ nguồn bao gồm 2 dịch vụ chính là lọc dầu và phân phối xăng dầu ra thị trường. Lợi nhuận của nhóm lọc dầu phụ thuộc vào biên xăng dầu là chênh lệch giữa giá bán đầu ra của xăng dầu thành phẩm và giá đầu vào (dầu thô). Lợi nhuận có xu hướng phản ánh trong kỳ nhờ vào hàng tồn kho giá rẻ. Với nhóm phân phối bán lẻ xăng dầu, hoạt động kinh doanh còn phụ thuộc vào quy định của Chính phủ về điều hành giá bản lẻ xăng dầu của Bộ Tài chính và Bộ Công thương. Do đó, các biến động tăng giá có thể phần nào mang lại ảnh hưởng tiêu cực.
“Nhu cầu xăng dầu dự báo duy trì tăng trưởng trong dài hạn trung bình 5%/năm trong giai đoạn đến 2030. Với xu thế của chuyển dịch năng lượng, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ hướng tới các nguồn năng lượng xanh sạch, ít phát thải ra môi trường nên sẽ hạn chế năng lượng hóa thạch như than đá, xăng dầu. Tuy nhiên, năng lượng hóa thạch vẫn đóng vai trò quan trọng cho sản xuất điện, nhiên liệu đốt và vận chuyển”, TPS nhận định.
Công ty Chứng khoán này cũng đánh giá triển vọng Tích cực trong nửa cuối năm 2024 đối với nhóm các doanh nghiệp thuộc phân khúc Thượng nguồn và Trung nguồn bao gồm: PVD, PVS, GAS, PVT. Đồng thời, đánh giá triển vọng Trung lập với nhóm doanh nghiệp ở phân khúc Hạ nguồn gồm BSR, PLX.