Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP Quý II của Việt Nam sẽ đạt 5,3% so với cùng kỳ, trước đó, mức tăng GDP trong Quý I đạt 5,7%.

Tăng trưởng kinh tế Quý II chậm lại

Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP Quý II của Việt Nam sẽ đạt 5,3% so với cùng kỳ.

Theo các chuyên gia kinh tế của ngân hàng Standard Chartered, tăng trưởng doanh số bán lẻ được dự báo sẽ giảm xuống 8,2% so với cùng kỳ trong tháng 6 (mức 9,5% trong tháng 5), tăng trưởng xuất khẩu sẽ giảm xuống 14,2% so với cùng kỳ trong tháng 6 (mức 15,8% trong tháng 5), và xuất khẩu điện tử sẽ tiếp tục được cải thiện trong năm nay.

Nhập khẩu và sản xuất công nghiệp có khả năng đạt lần lượt ở mức 26,0% (mức 29.9% trong tháng 5) và 5,2% (mức 8,9% trong tháng 5) so với cùng kỳ trong tháng 6. Lạm phát có thể tăng lên mức 4,5% so với cùng kỳ trong tháng 6 (từ mức 4,4% trong tháng 5), đánh dấu đây là tháng thứ ba liên tiếp lạm phát trên mức 4%. Giá dịch vụ giáo dục, nhà ở và vật liệu xây dựng, chăm sóc sức khỏe và thực phẩm đã thúc đẩy lạm phát trong thời gian gần đây. Xu hướng này có thể duy trì trong những tháng tới.

Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế Việt Nam và Thái Lan, Ngân hàng Standard Chartered, chia sẻ: “Mặc dù tăng trưởng trong Quý II có khả năng chậm lại nhưng chúng tôi cho rằng Việt Nam vẫn giữ đà phục hồi rất khả quan. Nền kinh tế có thể vấn còn phải đối mặt với những thách thức trong Quý 3, trong bối cảnh của áp lực giá cả, tỷ giá và nhu cầu suy giảm trên toàn cầu”.

Standard Chartered dự báo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có thể sẽ tăng lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ bản trong Quý IV trong bối cảnh lạm phát gia tăng. Yếu tố tỷ giá có thể sẽ thúc đẩy Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất trong Quý IV hoặc sớm hơn. Các động thái từ Fed sẽ là yếu tố trọng yếu ảnh hưởng đến các quyết định chính sách của NHNN.

Trong khi đó, tại dự báo vừa được công bố, Ngân hàng UOB cho rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt khoảng 6% trong quý II/2024. Mức tăng trưởng này đạt được dựa trên các hoạt động kinh tế đang đi đúng hướng, dòng vốn đầu tư nước ngoài tích cực, sản xuất, dịch vụ đều trong đà hồi phục.

Tăng trưởng kinh tế Quý II chậm lại

Kinh tế Quý III có thể vấn còn phải đối mặt với những thách thức trong bối cảnh của áp lực giá cả, tỷ giá và nhu cầu suy giảm trên toàn cầu.

“Số liệu gần đây nhất do Tổng cục Thống kê công bố tiếp tục khẳng định triển vọng tích cực về quỹ đạo tăng trưởng của Việt Nam. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) cho lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã tăng tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 5, ở mức 50,3 điểm và là lần tăng thứ 4 tích cực trong 5 tháng đầu năm”, UOB nhận định.

Nhóm chuyên gia tại BIDV của ông Cấn Văn Lực dự báo, tăng trưởng GDP quý II/2024 sẽ tiếp tục khả quan, có thể đạt 5,9-6,3%, qua đó giúp tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt khoảng 5,8-6,2%. “Các động lực tăng trưởng đang hồi phục, dù không đồng đều”, chuyên gia Cấn Văn Lực nói.