Trong thời gian gần đây, khi lên danh sách những lãnh đạo doanh nghiệp tương lai tiềm năng, tờ Fortune nhận thấy rằng một vài nhà lãnh đạo nổi tiếng lại không muốn ngồi vào chiếc ghế CEO (Tổng giám đốc). Nếu trước kia, CEO là một vị trí đáng mong ước, thì hiện tại, mọi chuyện đã khác đi rất nhiều.
Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này.
Chẳng hạn, công việc của CEO ngày càng khó khăn hơn, vì nhân viên đang đòi hỏi và nắm nhiều quyền lực hơn. Hồi năm ngoái, đội ngũ người lao động của Alphabet đã tổ chức biểu tình nhằm phản đối quyết định cho nghỉ việc hàng loạt của công ty, cũng như phản đối hợp đồng với chính phủ Israel.
Bên cạnh đó, vị trí CEO ngày càng dính dáng đến chính trị nhiều hơn. Đó là điều mà CEO Ed Bastian của Delta, CEO Bob Chapek của Disney, CEO Marc Benioff của Salesforce, v.v.. đã từng đối mặt.
Một lý do khác cũng quan trọng không kém, đó là lương thưởng chế độ. Mặc dù trung bình lương CEO vẫn tăng nhiều trong những năm vừa qua, nhưng mức độ tăng lại thua kém các vị trí C-level khác như CFO (Giám đốc tài chính) hoặc CHRO (Giám đốc nhân sự) hay tổng cố vấn. Xu hướng này diễn ra tại những công ty lớn nhất, nơi mà CEO có thể kiếm được từ 15 đến 25 triệu USD mỗi năm.
Fortune đã xem xét và phân tích, so sánh thông tin về lương thưởng của CEO và các vị trí C-level khác tại các công ty thuộc nhóm S&P 500 trong năm 2022 và năm 2012.
Kết quả phân tích cho thấy lương CFO tăng cao nhất. Trong một công ty, đây thường là vị trí có mức lương chỉ thua kém CEO. Dữ liệu từ 10 công ty trong nhóm Fortune 20 cho thấy lương của CEO và CFO đều tăng trong vòng 10 năm qua, trong đó lương CFO tăng từ mức bằng 34% lương CEO (2012) lên mức bằng 44% lương CEO (2022).
Ví dụ, trong năm 2012, lương của CFO Robert Shanks của Ford Motors Co là 5.181.848 USD, bằng 25% lương của CEO Alan Mulally (20.955.806 USD). Đến năm 2022, lương CFO John Lawler là 8.956.211 USD, bằng 43$ so với mức lương 20.996.146 USD của CEO James Farley.
Tổng cố vấn cũng là vị trí có mức tăng lương rất cao. Chẳng hạn, ba công ty thuộc danh sách Fortune 20 có dữ liệu khả dụng cho thấy trong 10 năm qua, lương tổng cố vấn tăng từ bằng 18% lương CEO lên mức bằng 34% lương CEO, tức là gần như gấp đôi.
Ví dụ, lương tổng cố vấn Cardinal Health tăng từ 18% lên 38% so với lương CEO; lương cố vấn ở Chevron tăng từ 16% lên 35%, còn ở McKesson tăng từ 19% lên 29%.
Glass Lewis, hãng tư vấn cổ phiếu cho các nhà đầu tư, cũng rút ra xu hướng tương tự, nhưng lại theo một khía cạnh khác. Họ nhận định rằng hiện nay các công ty lớn không còn trả lương cho CEO gấp nhiều lần các vị trí C-level khác nữa. Hay nói cách khác, nếu trước đây, hơn một nửa công ty thuộc S&P 500 có mức lương cho CEO cao gấp nhiều lần các giám đốc khác, thì giờ đây chỉ còn khoảng 20% công ty duy trì các chính sách lương kiểu này.
Tuy nhiên với bà Maria Vu, giám đốc cấp cao tại Glass Lewis, đây lại là tin tốt. Khi lương giữa CEO và các nhân sự C-level khác chênh lệch quá nhiều, thì hai phía sẽ khó có thể thực hiện những cuộc trao đổi thẳng thắn và lành mạnh về công việc.
Có nhiều yếu tố dẫn đến việc lương của các cấp C-level dưới CEO tăng cao.
Đầu tiên là hiện nay các doanh nghiệp đã không còn kỳ thị việc nhảy việc. Hồi trước, nhiều bên xem đó là điểm xấu. Thế nhưng giờ đây, đó là điều bình thường. Thậm chí mỗi lần nhảy việc là một lần tăng lương.
Thứ hai, các doanh nghiệp đang cố gắng giữ chân những nhân sự C-level tài giỏi bằng việc tặng thêm cổ phiếu công ty.
Thứ ba, lương C-level tăng vì công việc thay đổi. Chẳng hạn nếu 20 năm trước, CFO tương đương với một kế toán trưởng, thì hiện nay phạm vi công việc nhiều hơn, báo cáo cũng nhiều hơn. Ví dụ, một khảo sát Deloitte hồi năm ngoái cho thấy 28% CFO phải làm báo cáo đến Giám đốc công nghệ thông tin hoặc những người đứng đầu mảng IT khác.
Thứ tư, lương của những vị trí dưới CEO thường… ít bị công khai, ít bị công chúng soi xét. Thông thường, người ta chỉ chú ý CEO, ít ai quan tâm đến vị trí lãnh đạo thứ 2, thứ 3 hoặc thứ 4. Bên cạnh đó, việc nằm ngoài tầm ngắm của công chúng cũng giúp các vị trí C-level dưới CEO khác tránh được những tranh cãi và những rủi ro khác mà CEO có thể đối mặt.
Những thông tin và các kết quả phân tích, khảo sát trên đây cho thấy rằng CEO không còn là mục tiêu, là mơ ước của nhiều người nữa. Thế nhưng cũng không thể phủ nhận rằng vẫn sẽ có nhiều người phấn đấu để trở thành CEO. Tuy nhiên so với trước đây, những ứng cử viên tiềm năng có lẽ sẽ bắt đầu tính toán và cân bằng lợi ích để có được một bản hợp đồng lao động tốt hơn.