Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn. Nghị định được xây dựng nhằm tạo cơ chế thử nghiệm (sandbox) để khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn thay vì chỉ áp dụng theo cách tiếp cận truyền thống.
Tháo gỡ dần rào cản cơ chế
Áp dụng mô hình kinh tế tuần là xu hướng tất yếu tại Việt Nam nhằm phát triển bền vững. Yêu cầu này càng trở nên cấp thiết hơn khi nước ta đang tham gia vào nhiều Hiệp định thương mại tự do, trong đó, nổi bật là những cam kết về tiêu chuẩn an toàn môi trường sinh thái.
Phát triển kinh tế tuần hoàn còn có thể đem lại nhiều cơ hội để đa dạng hóa kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các thị trường chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn hơn.
Nắm bắt xu hướng trên, đã có một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn chuyển từ mô hình kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, việc chuyển đổi này diễn ra chưa mạnh mẽ, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn khá dè dặt do việc chuyển đổi còn gặp không ít khó khăn.
Trong đó, thách thức tập trung ở việc nhận thức về kinh tế tuần hoàn còn hạn chế, thiếu các chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng, công nghệ, quản trị, nhân lực…
Nhằm tháo gỡ khó khăn và khuyến khích kinh tế tuần hoàn phát triển, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm tạo ra khung chính sách, cơ chế hỗ trợ, đem lại sự yên tâm cho nhà đầu tư và doanh nghiệp thử nghiệm những ý tưởng, sáng kiến về kinh tế tuần hoàn.
4 lĩnh vực ưu tiên
Theo dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, có 4 lĩnh vực của nền kinh tế đề xuất áp dụng cơ chế thử nghiệm. Đó là nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp; năng lượng tái tạo và vật liệu xây dựng.
Trước đó, đề cập về các lĩnh vực được đề xuất để áp dụng cơ chế thử nghiệm, CIEM cho rằng, những lĩnh vực trên có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Cách hiểu và tư duy quản lý với các lĩnh vực này không nên và không thể chỉ dựa vào tư duy quản lý ngành truyền thống bởi phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn có thể có sự gắn kết của nhiều hoạt động kinh tế thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Nếu vẫn theo tư duy truyền thống sẽ khó tạo không gian cho sự phát triển.
Dự thảo cũng đề xuất 6 nhóm chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Đó là các chính sách khu công nghiệp, khu kinh tế; phân loại xanh; tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ; tín dụng xanh, trái phiếu xanh; phát triển nguồn nhân lực và chính sách đất đai.
Theo đó, dự án kinh tế tuần hoàn tham gia cơ chế thử nghiệm được tư vấn giới thiệu công nghệ, hỗ trợ 50% chi phí chuyên gia tư vấn công nghệ; miễn thuế nhập khẩu, ưu tiên thông quan hàng hoá và hỗ trợ tối đa 50% chi phí thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để thực hiện dự án.
Chính sách tín dụng xanh, trái phiếu xanh cũng là nội dung quan trọng của khung chính sách thí điểm phát triển kinh tế tuần hoàn. Theo dự thảo đề xuất, dự án tham gia cơ chế thử nghiệm được tiếp cận, huy động, vay vốn ưu đãi, vay vốn không bảo lãnh chính phủ đối với các khoản tín dụng xanh của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tài chính quốc tế, Ngân hàng Phát triển Việt Nam cùng nhiều loại quỹ khác như quỹ đầu tư phát triển quỹ môi trường, quỹ phát triển xanh… Đặc biệt, tiếp cận vốn thông qua phát hành trái phiếu xanh theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, chính sách đất đai có ưu đãi nổi trội dành cho dự án tham gia cơ chế thử nghiệm như được phép sử dụng đất mục đích hỗn hợp, tích hợp đa năng; các tỉnh, thành ưu tiên sử dụng mặt bằng sạch có sẵn, chịu trách nhiệm giải phóng sạch mặt bằng trong trường hợp nhà đầu tư ứng tiền giải phóng mặt bằng khu đất tại địa phương có vị trí, địa hình, đặc điểm phù hợp với quy mô dự án kinh tế tuần hoàn.