Chia sẻ với DĐDN, ông Nguyễn Việt Dũng – Tổng Giám đốc công ty TNHH Bureau Veritas Việt Nam cho biết: Việt Nam cam kết tại COP26 là đạt được Net Zero vào năm 2050. Đây được đánh giá là cam kết rất tham vọng bởi EU cũng đưa ra cam kết đạt được Net Zero vào năm 2050. Mốc thời gian này cũng là thời điểm mà nhiều nước tiên tiến khác như Singapore, Malaysia, Australia đặt ra để phấn đấu thực hiện Net Zero, đảm bảo tổng phát thải ròng ra khí quyển bằng 0.
Thực hiện mục tiêu trên, nhiều chuyên gia đánh giá, Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, trước một vấn đề mà cả thế giới cùng chung tay đồng thuận giải quyết như Net Zero thì cơ hội Việt Nam nhận được cũng rất lớn. Đó là chuyển đổi sang nền sản xuất phát thải carbon thấp, thích ứng với quá trình biến đổi khí hậu và tăng trưởng bền vững.
Tổng giám đốc Bureau Veritas Việt Nam Nguyễn Việt Dũng chia sẻ: nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã từng trăn trở tìm lời giải cho câu hỏi phát triển bền vững để làm gì? Mỗi doanh nghiệp có một câu trả lời riêng và con đường đi riêng để thực hiện. Tuy nhiên, có điều chắc chắn rằng, đây là xu hướng của thế giới, là yêu cầu của những thị trường tiên tiến về sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp cần quan tâm, đầu tư và tuân thủ.
Đồng quan điểm trên, CEO tập đoàn FPT Nguyễn Văn Khoa cũng nhấn mạnh: các doanh nghiệp, đối tác, khách hàng quốc tế của FPT đều đã yêu cầu tuân thủ chặt chẽ các điều kiện về phát triển bền vững, phát triển xanh.
Từ chỗ chỉ có các tập đoàn, doanh nghiệp lớn tiên phong chuyển đổi xanh, đến nay, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Net Zero đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau như ngân hàng, bất động sản, sản xuất, nông nghiệp… với những cách thức tiếp cận khác nhau.
Ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp trong nước đã đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình theo chiều sâu, gắn với phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Đặc biệt các doanh nghiệp xuất khẩu, càng chuyển đổi xanh sớm doanh nghiệp càng nắm bắt nhanh hơn cơ hội gia tăng giá trị xuất khẩu, kể cả trong thời điểm suy thoái kinh tế thời gian qua.
Trong quá trình tư vấn các doanh nghiệp chuyển đổi xanh, ông Nguyễn Việt Dũng cho biết thêm: điều thú vị là mỗi doanh nghiệp tự xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh riêng dựa trên các bộ tiêu chí khác nhau, trong đó, nhiều lộ trình đã được các tổ chức quốc tế công nhận.
Tuy nhiên, với khoảng 97% doanh nghiệp Việt Nam ở quy mô vừa và nhỏ, chuyển đổi xanh để chung tay thực hiện Net Zero chưa được thực hiện quyết liệt và đồng bộ, trong đó, nguyên do cốt yếu nhất vẫn là từ những lo ngại về chi phí. Không ít doanh nghiệp xem chuyển đổi xanh, phát triển bền vững là gánh nặng hơn là khoản đầu tư.
Về nội dung này, đại diện một tập đoàn lớn cho biết: cũng như bất cứ dự án nào, thực hiện dự án phát triển bền vững trong doanh nghiệp đều phải tính chi phí đầu tư và tỷ suất lợi nhuận. Song khoản đầu tư này, lợi ích doanh nghiệp thu lại lớn hơn rất nhiều. Thậm chí, càng lâu dài nguồn lực thu lại từ việc tiết kiệm năng lượng, nâng cao năng suất, tối ưu hoá nguyên liệu sản xuất đầu vào từ mô hình kinh doanh bền vững còn mang lại lợi ích cao hơn chi phí đầu tư ban đầu, nhất là khi giá của nguyên nhiên liệu ngày càng đắt đỏ.
Với những doanh nghiệp nhỏ và vừa, không có vốn đầu tư các dự án chuyển đổi lớn đòi hỏi nhiều nguồn lực, theo các chuyên gia, doanh nghiệp có thể bắt tay thực hiện chuyển đổi xanh trong những hoạt động đầu tư phù hợp với đặc thù mô hình sản xuất và quy mô doanh nghiệp. Đơn giản nhất là những hành động bảo vệ môi trường như giảm thiểu rác thải nhựa, tiết kiệm nước, điện… không tốn kém quá nhiều chi phí mà lại có thể thực hiện ngay và thực hiện hàng ngày được.
Do đó, để chuyển đổi xanh, quan trọng nhất với doanh nghiệp hiện nay là chuyển đổi nhận thức một cách có hệ thống từ lãnh đạo đến người lao động và toàn thể cộng đồng. Bên cạnh đó, là sự vào cuộc tích cực của Chính phủ, các bộ ngành, tổ chức trong việc đưa ra giải pháp cho bài toán về vốn, chi phí đầu tư, doanh thu, lợi nhuận khi chuyển sang con đường tăng trưởng xanh.