Quảng cáo lạ nhưng chưa hay

Bảng quảng cáo rất lạ

Gần đây, ở ngã tư Đường Láng – Yên Lãng (Hà Nội) xuất hiện một bảng quảng cáo rất lạ. Đó là một cái biển rất to, toàn nền trắng, trên đó chỉ có mấy chữ “muốn__ nhưng__” rất to. Phía dưới biển là dòng chữ “muốn gì nói đi” và trỏ vào một mã QR.

Trên biển hoàn toàn không có một thông tin gì về tên công ty, hay tên sản phẩm, tên dịch vụ hay bất kỳ thông điệp của nhà quảng cáo nào.

Nếu quét mã QR trên biển thì sẽ được đưa vào trang web muonginoidi.com. Trên trang này cũng chỉ có hình ảnh như sau:

Quảng cáo lạ nhưng chưa hay

Sau khi điền vào 2 chỗ trống đó thì màn hình sẽ nhảy ra nhiều câu ngẫu nhiên, có lẽ là của những người trước đã điền, muốn… nhưng… 

Quảng cáo lạ nhưng chưa hay

Đến đây là hết nhưng vẫn không hề có chút thông tin nào của thương hiệu hay sản phẩm quảng cáo. Một điều khá lạ bởi mọi quảng cáo đều tìm cách “hô” thật to tên mình hay tên sản phẩm.

Tuy lạ nhưng những quảng cáo “bí hiểm” như thế này không phải là chưa có. Các nhãn hàng thường đưa ra những hành động “bí hiểm” ở trong giai đoạn đầu của một chiến dịch tiếp thị, gọi là trigger hoặc teasing. Những hành động tiếp thị trong giai đoạn này nhiều khi chưa cần phải nói về thương hiệu hay sản phẩm, mà nhiệm vụ chính của nó là: Gây sự chú ý.

Một trong những trigger nổi tiếng và cực thành công ở Việt Nam là “Tìm em nơi đâu”.

Vào một ngày cuối năm 2008, trên blog Yahoo360 xuất hiện một bài viết:

“Chiều hôm đó trời Sài Gòn mưa tầm tã, mọi người vội vàng dừng chân trú mưa tại một bến xe buýt. Bỗng trong những người đông đúc ấy, có một cô bé cực xinh. Nụ cười và ánh mắt đáng yêu của cô ấy làm tim mình đập loạn xạ. Mưa rồi cũng ngớt hạt, em khoác áo mưa ra đi.

Sao mình nhát thế nhỉ, có thế mà cũng không dám bắt chuyện.

Đột nhiên em quay lại, và chìa cho tôi chiếc áo mưa mới mua, rồi vội vàng đi mất. Oa, em không những đẹp, mà còn tốt bụng nữa chứ. Tôi rất muốn gặp lại em. Nếu người ấy là em, hãy liên lạc blog của tôi nhé.”

Khi câu chuyện lãng đãng đáng yêu tuổi mới lớn này xuất hiện trên mạng, nó thu hút ngay được một sự quan tâm “không hề nhẹ” của giới trẻ. Mọi người đổ xô vào blog của bạn trai để bình luận, chia sẻ trên các diễn đàn và tìm kiếm cô gái dễ thương kia, tạo thành một “trend” lớn trong giới trẻ ngày đó. Cuối cùng, hóa ra đó là một phần của chiến dịch tiếp thị của Close Up.

Hay Prudential tung ra một video clip chỉ toàn những tình huống dẫn tới câu nói “không sao đâu”, “Bố vẫn ổn”, “Mẹ không sao đâu con ạ”, v.v. mà không hề quảng cáo gì về sản phẩm dịch vụ của mình. Điều này đã gây tò mò cho người tiêu dùng, làm nền cho những hành động tiếp theo trong chiến dịch quảng cáo của họ.

Quay lại với tấm biển quảng cáo “trắng trơn”. Như vậy, có thể suy luận được đây có thể là một trigger của một chiến dịch tiếp thị nào đó. Nhiệm vụ của biển quảng cáo này là gây sự chú ý và “dụ dỗ” người đi đường quét mã QR trên biển, điền thông tin để làm nền cho các bước tiếp theo của chiến dịch tiếp thị của chủ biển.

Thế nhưng, chiếc biển này dựng trên cao một ngã tư rất đông đúc trên phố phường Hà Nội. Người đi đường cho dù có tò mò thì cũng rất khó để vừa chạy xe vừa rút điện thoại ra quét mã trên biển, chưa kể việc vừa đi đường vừa rút điện thoại ra tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, hoặc cũng có thể sẽ bị vi phạm luật giao thông.

Thành thử, ý tưởng của quảng cáo có thể lạ, có thể gây được sự tò mò của người nhìn, nhưng cách triển khai của quảng cáo có vẻ không hợp lý và rất khó đạt được mục tiêu (nếu có) thu hút người đi đường quét mã QR. Đó có vẻ là một triển khai quảng cáo không hiệu quả vì không đúng tâm lý mọi người.