Phát biểu tại “Diễn đàn Nông nghiệp 2024: Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ngày 23/7/2024, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp) cho biết: Trong những năm qua, nông nghiệp Việt Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao từ 3 - 4%, nhất là từ giai đoạn năm 2021 đến nay, với nhiều nỗ lực trong nước và xu hướng tăng giá chung của nhiều mặt hàng nông sản, tăng trưởng nông nghiệp đã đạt mức 3,4 - 3,8%.

NÔNG NGHIỆP THÔNG MINH:  Đổi mới và hoàn thiện chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế

Chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp

Giá trị xuất khẩu nông sản đạt 53 tỷ USD năm 2023. Hiện nay, Việt Nam đứng top 5 thế giới về xuất khẩu cá tra, gạo, cà phê, hạt điều, tiêu đen, chè, sắn và sản phẩm gỗ. Yêu cầu đặt ra là tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước trong khi nông nghiệp Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức.

Đó là năng suất đến ngưỡng, nhất là các mặt hàng nông sản chủ lực như gạo, cà phê, tiêu, cá tra… đều đạt năng suất kỷ lục thế giới, trong khi nguồn lực tự nhiên suy giảm; đất canh tác khó có thể mở rộng hơn hoặc phải chuyển đổi thành đất đô thị hoặc suy thoái dần; thiếu nước... Bên cạnh đó, thách thức còn đến từ những quy định mới của các nước về an toàn thực phẩm, hàng rào kỹ thuật về môi trường, tiêu biểu nhất quy định mới về chống phá rừng ở châu Âu...

Trước 3 chữ "biến" của ngành nông nghiệp là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng, theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, phương châm chính và cách tiếp cận của ngành nông nghiệp đưa ra là tạo ra giá trị nhiều hơn từ việc sử dụng ít đầu vào hơn, ít tài nguyên thiên nhiên hơn, ít sức lao động hơn và tạo ra giá trị cao hơn.

“Làm được điều đó, chỉ có chúng ta cách tận dụng thành tựu của khoa học công nghệ, trong đó có nông nghiệp công nghệ cao để tạo ra nền kinh tế có giá trị cao hơn, xanh hơn, sạch hơn” - ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nhấn mạnh.

Đây là những ý tưởng chính của Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2023 và tầm nhìn đến 2050. Chiến lược dựa trên 3 trụ cột: nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh, tạo ra đội ngũ nông dân chuyên nghiệp.

Thông tin về nhiệm vụ chính của Chiến lược, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết: chuyển từ tư duy sản xuất sang kinh tế nông nghiệp; tích hợp đa giá trị; kết nối chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp - tổ hợp có nhiều ngành sản xuất kết hợp với nhau; cải thiện bảo quản, chế biến, logistic và phân phối của chuỗi giá trị nông nghiệp còn nhiều tiềm năng và cơ hội; đổi mới sáng tạo đi liền với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển nhanh như hiện nay.

Nông nghiệp công nghệ cao và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp được thực hiện theo cách tiếp cận: nhiều hơn từ ít hơn, giúp tăng thu nhập cho nông dân, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản, giảm phát thải, thúc đẩy phát triển nông nghiệp tuần hoàn hữu cơ… Cùng với đó, gắn liền nghiên cứu với chuyển giao công nghệ, đưa sản phẩm ra thị trường.

Đặc biệt, có nguồn quan trọng mà các doanh nghiệp quan tâm nhưng lâu nay chưa để ý là du nhập công nghệ nước ngoài đã được đầu tư rất lớn cho R&D. Nếu còn e ngại vấn đề này sẽ khó tiếp nhận công nghệ nước ngoài.

Hoàn thiện chính sách ưu đãi

Cùng với nông nghiệp bền vững là nhiều chính sách, cơ chế của Chính phủ để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, phát triển kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số trong nông nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, nông thôn… Trong đó, các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư như trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp chế biến, logistics…

Trong các chính sách ưu đãi, theo Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp thông minh được ưu tiên nhất với các chính sách hỗ trợ đầu tư từ đất đai, tín dụng, thuế, hạ tầng, nghiên cứu khoa học công nghệ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực…

NÔNG NGHIỆP THÔNG MINH:  Đổi mới và hoàn thiện chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Diễn đàn Nông nghiệp 2024: Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ có sự tham gia của các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, doanh nhân

Cụ thể, chính sách đất đai nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được áp dụng ở mức ưu đãi cao nhất như ưu tiên đầu tư vào vùng đặc biệt khó khăn hay các đối tượng thuê đất đã tính cả những đối tượng không sản xuất nông nghiệp nhưng có đầu tư vào nông nghiệp công nghiệp cao; tăng thời gian thuê đất công từ 5 năm lên 10 năm…

Chính sách tín dụng đã quy định rõ, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ hưởng lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5-1%/năm so với khoản vay thông thường; không có tài sản đảm bảo được vay 70% giá trị dự án… Câu chuyện chính khi triển khai là xác định tiêu chí, quy hoạch, tài sản đảm bảo trong doanh nghiệp.

Với chính sách ưu đãi thuế, nhiều loại đầu vào cho sản xuất nông nghiệp không phải chịu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp được hưởng mức 10% trong 15 năm, miễn thuế tối đa không quá 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; dự án nghiên cứu và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên, khuyến khích đầu tư được xem xét áp dụng chính sách miễn giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp…

Trước thực trạng trên, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan có liên quan sẽ tham mưu đổi mới chính sách có tính tới sự phối hợp bộ ngành về chính sách đất đai, cơ sở hạ tầng tạo sức bật trong tập trung ruộng đất, quỹ đất vừa đủ cho doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các ngành phụ trợ…; chính sách tín dụng; chính sách thuế minh bạch rõ ràng; chính sách nghiên cứu khoa học công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực…

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp thành lập Mạng lưới đổi mới sáng tạo lương thực, thực phẩm tại Việt Nam nhằm tạo dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bằng cách huy động các chuyên gia, nhà khoa học trong nước, quốc tế liên kết các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong chuỗi giá trị; nâng cao chất lượng sản phẩm lương thực, thực phẩm…