NÔNG NGHIỆP THÔNG MINH: Cần liên kết chặt chẽ giữa ngành nông nghiệp và khoa học

Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam (VCAC) phát biểu tại Diễn đàn

Phát biểu tại phiên thảo luận của “Diễn đàn Nông nghiệp 2024: Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ngày 23/7/2024, ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam (VCAC) cho biết để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành nền tảng của nền nông nghiệp thông minh và phát triển bền vững, cách thức tiếp cận cần đặt trọng tâm vào các Tổ chức Khoa học và Doanh nghiệp Nông nghiệp trong các hoạt động đầu tư.

Ông Thắng cho biết, muốn có một nền nông nghiệp thông minh cần phải có nguồn nhân lực thông minh. Trên thực tế, tại Việt Nam, người nông dân nói riêng cũng như đội ngũ nhân lực làm nông nghiệp nói chung, phần lớn còn đang làm nông nghiệp theo các phương thức truyền thống. Kinh nghiệm, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ mới vào tổ chức sản xuất nông nghiệp vẫn còn ở mức thấp, chưa có nhiều mô hình liên kết chặt chẽ và bền vững.

Chính vì vậy, ông Thắng nhấn mạnh: "Việc liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp nông nghiệp và các tổ chức doanh nghiệp khoa học là tất yếu để tạo ra sức mạnh tổng thể, phát huy nguồn lực, xây dựng nền tảng để phát triển nông nghiệp Xanh - Tuần hoàn - Bền vững".

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 5 (5.0) là cơ hội to lớn đối với ngành nông nghiệp khi việc ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại song hành với người sản xuất, doanh nghiệp và Nhà nước đầu tư, góp phần nâng cao kĩ năng, trình độ và năng lực đủ để thích ứng với công nghệ mới, tạo ra những sản phẩm đa giá trị rất cần sự gắn kết giữa doanh nghiệp và các tổ chức, doanh nghiệp Khoa học công nghệ.

Đó chính là quá trình vừa triển khai, vừa tiếp nhận phản hồi và điều chỉnh liên tục để không ngừng hoàn thiện một hệ sinh thái nông nghiệp Xanh - Tuần hoàn và Bền vững. Chính vì vậy, việc liên kết, bắt tay chặt chẽ giữa các doanh nghiệp nông nghiệp và các tổ chức, doanh nghiệp Khoa học công nghệ phải được tổ chức như một thiết chế hợp tác đầu tư, sản xuất và kinh doanh trong ngành nông nghiệp.

Theo ông Thắng, hợp tác đầu tư phát triển nông nghiệp là quá trình thay đổi mô hình hoạt động đơn lập thành mô hình tích hợp, lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm nền tảng, ứng dụng các tiến bộ Khoa học và Công nghệ vào tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh nông nghiệp, tận dụng tối đá các nguyên liệu, phế phụ phẩm, tái chế chúng thành các sản phẩm, hàng hóa, tạo thành cơ chế sản xuất tuần hoàn, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển bền vững. Đó là: Hiệu quả kinh tế - Anh sinh xã hội và Bảo vệ Môi trường.

Tuy nhiên, trên thực tế, theo ông Thắng việc bắt tay, hợp tác giữa các doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp và các tổ chức, doanh nghiệp Khoa học công nghệ theo phương thức gắn kết đồng hành, dài lâu chưa có nhiều. Các bên còn quá thiếu thông tin về nhau. Các sản phẩm khoa học công nghệ được thương mại hóa còn rất ít. Nhiều kết quả nghiên cứu  khoa học do Nhà nước đài thọ kinh phí còn ngủ im trong tủ tài liệu. 

Giữa người có và người cần không biết về nhau vì thiếu thông tin. Do đó, chưa thực sự thương mại hóa được sản phẩm khoa học công nghệ. Thiếu thị trường lưu hành các sản phẩm khoa học công nghệ là một thách thức lớn cho các bên tìm kiếm đối tác trong hoạt động đầu tư và phát triển ngành nông nghiệp.

Tại thời điểm hiện nay, 63 tỉnh thành trên cả nước đều có các Trung tâm, Tổ chức, doanh nghiệp Khoa học thuộc Nhà nước, nhiều trung tâm đã được đầu tư rất lớn, nhiều thiết bị và công nghệ hiện đại nhưng hầu hết không phát huy được các nguồn lực sẵn có vì thiếu căn cứ pháp lý để thực hiện hoạt động hợp tác, liên kết với các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước, gây lãng phí nguồn lực rất lớn.

Một thách thức khác được ông Thắng chỉ ra là trình độ tiếp cận khoa học - công nghệ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn nhiều hạn chế. Việc đầu tư vào hạ tầng và công nghệ cho sản xuất nông nghiệp bước đầu khá tốn kém, khiến cho nhiều doanh nghiệp còn e ngại.

NÔNG NGHIỆP THÔNG MINH: Cần liên kết chặt chẽ giữa ngành nông nghiệp và khoa học

Diễn đàn Nông nghiệp 2024: Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0

Ngoài ra, việc tiếp cận các nguồn lực để đầu tư và phát triển ngành nông nghiệp rất khó khăn. Ngành nông nghiệp hiện nay đang đối mặt nhiều rủi ro, đầu tiên là vấn đề thị trường. Hiện tượng được mùa mất giá, được giá mất mùa vẫn còn xảy ra thường xuyên.

Bên cạnh đó, ông Thắng cho biết, vẫn còn thiếu một khuôn khổ pháp lý đủ mạnh cho các loại hình hợp tác “Công - Tư” và đổi mới sáng tạo. Việc sử dụng tài sản công để hợp tác phát triển còn rất vướng mắc. Các quy định của pháp luật cho các mô hình kinh tế mới, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bao gồm các hoạt động đổi mới sáng tạo còn thiếu. Để tổ chức thực hiện các mô hình này còn rất vướng mắc bởi các quy định trước đây. Chẳng hạn như, chỉ một dự án đầu tư làm nông nghiệp nhưng phải chịu nhiều Bộ Luật điều chỉnh và chi phối, tạo thành rào cản rất lớn cho đổi mới sáng tạo.

Do đó, ông Thắng kiến nghị, Nhà nước cần sớm hoàn thiện các quy định của pháp luật theo hướng tích cực, cởi mở để có chính sách phù hợp cho các hoạt động liên kết và hợp tác đầu tư vào nông nghiệp cho cả hai khu vực “Công – Tư”. Đối với các Tổ chức, Doanh nghiệp Khoa học đang thuộc sở hữu Nhà nước nhưng đã được giao tự chủ cần làm rõ hơn quyền tự chủ của các tổ chức này. Các tổ chức khoa học được giao tự chủ, tự cân đối tài chính, tự thu, tự chi cần phải được giao quyền tự quyết việc dùng tài sản Nhà nước được giao để tham gia hợp tác, đầu tư trên nguyên tắc không làm mất quyền sở hữu Nhà nước.

Đồng thời, sớm ban hành các quy định đủ mạnh để có một khuôn khổ pháp lý cho các mô hình kinh tế mới, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn theo hướng đi mới. Các mô hình hợp tác phát triển và đổi mới sáng tạo cần được cho phép thực hiện theo hình thức thử nghiệm, thí điểm theo cơ chế mở, không bị chi phối bởi các quy định cũ trên nguyên tắc chỉ làm những gì pháp luật không cấm.

Các mô hình đổi mới - sáng tạo được phép làm thí điểm, thử nghiệm sẽ được quy định thời gian thử nghiệm, thí điểm theo đề xuất và phải được tổng kết, đánh giá những ảnh hưởng tích cực hoặc hạn chế của mô hình, từ đó làm cơ sở để cơ quan chức năng hoàn thiện thể chế cho loại hình đó.

Tiếp tục tuyên truyền, vận động các Doanh nghiệp Nông nghiệp và Tổ chức, Doanh nghiệp Khoa học - công nghệ tăng cường bắt tay nhau, hợp tác liên kết chặt chẽ và bền vững thông qua các mô hình điểm, mô hình dẫn dắt, mô hình có hiệu quả cao. Hoạt động tuyên truyền cần xác thực, cụ thể nhiều hơn về các mô hình ứng dụng Khoa học - Công nghệ, áp dụng đồng bộ như một hệ sinh thái nông nghiệp từ đầu vào đến đầu ra của các chuỗi sản phẩm.

Nhà nước cần dành một phần kinh phí đào tạo nghề để hỗ trợ các mô hình hợp tác, liên kết giữa các Doanh nghiệp Nông nghiệp và Tổ chức, Doanh nghiệp Khoa học trong việc đào tạo nâng cao tay nghề, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao theo đúng mục tiêu và chỉ trực tiếp, cắt bỏ các khâu trung gian trong đào tạo, đồng thời tập huấn cho Doanh nghiệp và Tổ chức Khoa học.

Cuối cùng, ông Thắng đề nghị Chính phủ sớm ban hành các quy định theo hướng mở để có cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng chính đáng trong việc bắt tay hợp tác – liên kết đầu tư phát triển ngành nông nghiệp của các doanh nghiệp nông nghiệp và tổ chức, doanh nghiệp Khoa học để mục tiêu phát triển một nền nông nghiệp thông minh, sản xuất hàng hóa, đồng thời phát triển dựa trên lợi thế địa phương theo hướng hiện đại, gắn Khoa học – Công nghệ với năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững.