Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng đại diện Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại New York cho biết: Thị trường cơ khí của Mỹ có nhu cầu nhập khẩu hàng hoá rất lớn đã mang lại rất nhiều cơ hội hợp tác cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Ngành công nghiệp cơ khí của Mỹ có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của quốc gia này với nhiều lĩnh vực khác nhau như máy móc thiết bị, công nghiệp ô tô, máy bay, thiết bị y tế, thiết bị điện, điện tử… Trong đó, một số ngành công nghiệp hàng không vũ trụ, ô tô của Mỹ đứng đầu thế giới với nhiều thương hiệu toàn cầu và gần đây, ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp xe điện.
Không chỉ là nhà sản xuất, Mỹ còn là thị trường nhập khẩu lớn các sản phẩm cơ khí đa dạng, tập trung vào mặt hàng máy công nghiệp các loại, máy tính và phụ kiện bán dẫn, thiết bị y tế, thiết bị kiểm tra trong phòng thí nghiệm, máy móc nông nghiệp…; ô tô, động cơ ô tô và phụ tùng.
Trong những năm qua, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, phương tiện vận tải và phụ tùng sang Mỹ với kim ngạch đạt hơn 22,7 tỷ USD trong năm 2022, tăng 12% so với năm 2021, chiếm tới hơn 39% tổng kim ngạch xuất khẩu máy móc thiết bị, phương tiện vận tải và phụ tùng của cả nước. Tỷ trọng xuất khẩu này chủ yếu nằm ở khối các doanh nghiệp FDI. Sang năm 2023, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, cũng như nhiều mặt hàng khác, xuất khẩu sản phẩm cơ khí sang Mỹ giảm 17%.
Tuy nhiên, về dài hạn, các doanh nghiệp cơ khí trong nước vẫn có nhiều cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Mỹ. Thời gian qua, các doanh nghiệp cơ khí Mỹ thường xuyên tổ chức đoàn tìm kiếm đối tác, trong đó có Việt Nam.
Qua tiếp xúc với các doanh nghiệp Mỹ, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm, có doanh nghiệp có nhu cầu đặt hàng các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất với số lượng lớn. Một trong những yêu cầu đối tác đưa ra là các doanh nghiệp cần chủ động nguồn hàng, chuỗi cung ứng cho sản phẩm hoàn thiện.
Ngoài ra, ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng thông tin, các doanh nghiệp Việt Nam chú ý thêm 2 xu thế phát triển chính của ngành cơ khí Mỹ. Thứ nhất là công nghệ và đổi mới, ngành cơ khí của Mỹ luôn tiên phong trong ứng dụng công nghệ và đổi mới, các doanh nghiệp trong ngành đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo, tự động hoá, phát triển xe điện. Thứ hai là tăng trưởng bền vững, thân thiện với môi trường thông qua việc sử dụng năng lượng tái tạo hoặc tiết kiệm năng lượng.
Do đó, dể hợp tác với các doanh nghiệp Mỹ trong ngành cơ khí, ông Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất các doanh nghiệp cơ khí cần tập trung sản xuất theo xu hướng phát triển chung của thế giới và thị trường Mỹ như phát triển bền vững. Bên cạnh đó, rà soát hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho các sản phẩm cơ khí, nâng cao tỷ lệ hài hoà với các tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại như tham gia các hội chợ, triển lãm, tiếp xúc với các đối tác của Mỹ.