Các thông tin cho thấy Apple đang cố gắng giành quyền sở hữu trí tuệ (IPR) đối với hình ảnh trái táo ở Thụy Sĩ. Nếu Apple thành công, thì Fruit Union Suisse, một tổ chức 111 tuổi hoạt động vì lợi ích của người trồng trái cây ở Thụy Sĩ, sẽ phải đổi logo trái táo của mình.
Trái táo trên Logo của Fruit Union Suisse hiện là trái táo “đủ”, màu đỏ, có hình chữ thập màu trắng ở góc trên bên phải. Các bên đánh giá rằng dù cùng mang hình ảnh quả táo, nhưng logo của Apple và của Fruit Union Suisse rất khó nhầm lẫn với nhau.
Nhận xét về vụ kiện của Apple, phía hiệp hội trái cây nói rằng họ cảm thấy khó hiểu. Theo họ, Apple không phải là đang cố gắng bảo vệ hình ảnh thương hiệu trái táo, mà là muốn sở hữu quyền đối với hình ảnh trái táo. Trong khi đó, hình ảnh trái táo cực kỳ phổ biến và quan trọng.
Fruit Union Suisse lo ngại rằng nếu Apple thành công, thì bất kỳ thứ gì có thể liên kết đến trái táo đều có nguy cơ bị “dính chưởng”. Chẳng hạn, nếu họ quảng cáo với một trái táo, thì họ có thể gặp rắc rối. Nhiều người cho rằng Apple đang lợi dụng vị thế của một công ty lớn để khiến những doanh nghiệp nhỏ sợ hãi, không dám làm điều gì đó vốn dĩ hợp pháp.
Bất chấp những bình luận này, đơn kiện của Apple đã được đệ trình. Đây không phải lần đầu tiên Apple có động thái như vậy. Năm 2017, họ từng gửi đơn đến Viện Sở hữu Trí tuệ Thụy Sĩ, yêu cầu quyền sở hữu hình ảnh logo trái táo đen và trắng. Trước đó vào năm 2010, Apple yêu cầu một cửa hàng tạp hóa nhỏ ở Thụy Sĩ ký kết thỏa thuận rằng cửa hàng đó không được thêm hình ảnh trái táo vào logo. Các thống kê cho thấy từ năm 2019 đến 2021, Apple nộp đơn phản đối nhãn hiệu nhiều hơn cả Microsoft, Facebook, Amazon và Google cộng lại.
Trong sự việc lần này giữa Apple và hiệp hội trái cây, có một cách phân tích khác như sau.
Theo luật, thì hai công ty có thể có có trademark (nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu) giống nhau nếu danh mục kinh doanh khác nhau rất lớn, chẳng hạn một công ty trái cây và một công ty máy tính.
Hiện nay Apple không chỉ là một công ty máy tính nữa, mà họ vươn ra nhiều loại hình hơn, bao gồm công nghệ, truyền thông, phần mềm, cửa hàng, v.v.. Trong khi đó, khái niệm “mọi công ty sẽ đều là một công ty truyền thông” đang trở nên đúng đến mức một công ty thực phẩm cũng có trademark đụng độ với Apple trong cùng danh mục kinh doanh.
Ở đây, có vẻ như Apple không phải muốn hiệp hội trái cây đổi logo. Thay vào đó, họ muốn Fruit Union Suisse không được dùng logo này (hoặc thứ gì tương tự) trong các lĩnh vực mà Apple đang hiện diện.
Vấn đề chính là ở đây, vì Apple gần như hiện diện ở mọi lĩnh vực. Đặt ví dụ nếu Apple thắng kiện, thì sau này Fruit Union Suisse không thể sản xuất podcast hoặc kênh YouTube hoặc thứ gì tương tự mà gắn thêm logo trái táo đỏ của mình. Ở một số lĩnh vực mà hiệp hội trái cây chưa có sản phẩm thì họ cũng bị chặn nốt, chẳng hạn quần áo, vì Apple cũng đã bán áo mang thương hiệu của riêng mình.
Hiện tại vẫn chưa rõ liệu kết quả vụ kiện sẽ như thế nào. Giải pháp tốt nhất có thể là Fruit Union Suisse có thể tiếp tục dùng logo trong những lĩnh vực họ đã đăng ký nhãn hiệu, thậm chí dù lĩnh vực đó Apple có đăng ký hay chưa. Tuy nhiên họ sẽ không được sử dụng trong một số lĩnh vực khác.
Hay nói cách khác, nếu điều này xảy ra, Fruit Union sẽ được phát hành podcast hoặc kênh YouTube với logo quả táo, nếu các kênh này giới thiệu dịch vụ sản phẩm thực phẩm. Nhưng họ không được dùng logo đó để cạnh tranh với các mảng kinh doanh của Apple.
Cho dù Apple bị xử thua thì các công ty khác cũng sẽ phải “suy nghĩ thêm lần nữa” nếu có ý định dùng hình ảnh gì liên quan tới trái táo sau này. Đây là một hành động khá hợp lý với quyền lợi của Apple nhưng có vẻ như khá “bá đạo”.