Bước 1: UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức căn cứ nhu cầu của hộ gia đình, cá nhân về chuyển MĐSDĐ từ các loại đất khác sang đất ở để xây dựng nhà ở tại đơn xin chuyển MĐSDĐ và chỉ tiêu SDĐ được phân bổ, tổ chức đăng ký vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm báo cáo Sở TN-MT trình UBND TP phê duyệt.
Bước 2: Căn cứ kế hoạch SDĐ hằng năm đã được phê duyệt, hồ sơ chuyển MĐSDĐ của hộ gia đình, cá nhân, phòng TN-MT có trách nhiệm tổ chức xác minh thực địa và lập biên bản xác minh thực địa. Thẩm tra hồ sơ, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan để thẩm định nhu cầu SDĐ, thẩm định điều kiện cho phép chuyển MĐSDĐ, lập văn bản thẩm định nhu cầu SDĐ theo quy định.
Dự thảo tờ trình kèm theo dự thảo quyết định cho phép chuyển MĐSDĐ trình UBND cấp huyện ký quyết định cho phép chuyển MĐSDĐ. Căn cứ quyết định cho phép chuyển MĐSDĐ của UBND cấp huyện, chuyển hồ sơ cho chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai để lập phiếu chuyển thông tin địa chính xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai.
Sau khi người được chuyển MĐSDĐ hoàn thành nghĩa vụ tài chính, phòng TN-MT và chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai phối hợp ký cấp mới giấy chứng nhận quyền SDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, hoặc xác nhận thay đổi vào giấy chứng nhận quyền SDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã cấp theo quy định.
UBND TP giao thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc tăng cường công tác kiểm soát, quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm, kiên quyết các hành vi thực hiện việc chuyển MĐSDĐ, phân lô, tách thửa, xây dựng không đúng quy định pháp luật để trục lợi, dẫn đến phá vỡ quy hoạch được phê duyệt, ảnh hưởng đến công tác quản lý, phát triển đô thị.