Chiều 3.5, Sở Y tế TP.HCM đưa ra nhận định ban đầu về 15 học sinh (HS) ở 4 trường tiểu học trên địa bàn TP.Thủ Đức nghi ngộ độc thực phẩm phải đi cấp cứu tại Bệnh viện (BV) Lê Văn Thịnh ngày 2.5. Theo đó, sau khi nhận được báo cáo từ BV Lê Văn Thịnh, Sở Y tế cử tổ công tác gồm các chuyên gia từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật (HCDC) và nhi khoa đến điều tra. Tổ công tác của Sở Y tế ghi nhận có 15 HS từ 7 - 11 tuổi đang học tại Trường tiểu học Thạnh Mỹ Lợi (8 em), Trường tiểu học Bình Trưng Đông (5 em), Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (1 em) và Trường tiểu học Lương Thế Vinh (1 em).
Phụ huynh cho biết sáng 2.5, tất cả 15 em HS nói trên đều ăn cơm cuộn mua trước cổng trường. Sau khi ăn khoảng 2 tiếng rưỡi - 3 tiếng thì lần lượt xuất hiện các triệu chứng buồn nôn rồi nôn nhiều lần, đau bụng, chóng mặt, mệt mỏi, một số trẻ đi tiêu chảy sau đó... Đến sáng 3.5, tình trạng của các em đều đã cải thiện, không mất nước, không còn nôn, không sốt, không đau bụng, còn tiêu chảy ít.
Các chuyên gia HCDC và nhi khoa nhận định đây là một vụ ngộ độc thực phẩm nghi do ăn phải độc tố vi khuẩn có trong thức ăn, khả năng cao là sau khi ăn cơm cuộn bán trước cổng trường. Về xác định nguồn gốc cụ thể gây ra ngộ độc thực phẩm, Sở An toàn thực phẩm (ATTP) sẽ tiến hành điều tra.
Sở Y tế đã chỉ đạo HCDC tiếp tục phối hợp Trung tâm y tế TP.Thủ Đức giám sát tình hình dịch bệnh tại các trường học và cộng đồng. Ngành y tế khuyến cáo các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn trong việc mua thức ăn đảm bảo vệ sinh cho con em ăn nhanh trước khi đi học. Đặc biệt, tình hình thời tiết nắng nóng hiện nay là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa do ngộ độc thực phẩm tăng cao.
Trước đó, Khánh Hòa cũng liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm khiến hàng trăm người phải nhập viện, trong đó nạn nhân phần lớn là HS. Cụ thể, giữa tháng 3.2024, 369 người bị ngộ độc sau khi ăn cơm gà Trâm Anh (đường Bà Triệu, TP.Nha Trang). Đầu tháng 4, hơn 10 HS Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (TP.Nha Trang) cũng phải nhập viện sau khi ăn cơm gà gần trường. Ngày 5.4, 37 HS Trường tiểu học Vĩnh Trường và Trường THCS Trần Hưng Đạo sau khi ăn sáng thì có dấu hiệu ngộ độc, 1 em tử vong. Đến ngày 9.4, thêm 28 HS các trường mầm non, tiểu học, THCS tại TT.Tô Hạp, H.Khánh Sơn cũng phải nhập viện sau khi ăn cơm nắm, cơm cuộn.
Mới đây nhất, gần 500 người ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại cơ sở Băng ở P.Xuân Bình, TP.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.
THỨC ĂN ĐƯỜNG PHỐ CÓ NGUY CƠ MẤT ATTP
Những vụ ngộ độc gần đây cho thấy mức độ và tần suất ngày càng tăng, đặt ra nhiều vấn đề đáng báo động đối với công tác đảm bảo ATTP.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Minh, Phó chủ tịch UBND TP.Nha Trang, cho biết việc kiểm tra vệ sinh ATTP được thành phố thực hiện thường xuyên, liên tục trong thời gian trước đây. Tuy nhiên, theo ông Minh, có những vụ việc không thể lường hết được, trong đó có nhiều nguyên nhân. "Thành phố xác định lúc nào cũng là cao điểm, triển khai liên tục vì việc này liên quan tới sức khỏe, tính mạng của người dân. Hơn thế Nha Trang là thành phố du lịch trọng điểm mà để xảy ra những việc như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn. Thời gian tới, nhất là dịp nghỉ hè sắp đến, công tác ATTP sẽ được thành phố chú trọng hơn để mang cảm giác an toàn cho du khách đến Nha Trang", ông Minh nói.
Còn ông Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa, cho rằng rất có thể nguồn thực phẩm mà HS sử dụng không rõ nguồn gốc xuất xứ, thứ hai là thức ăn buôn bán gần trường, ven đường cũng có thể bị nhiễm khuẩn. "Lĩnh vực ATTP đã có phân cấp quản lý cụ thể, đối với những cơ sở chế biến nhỏ lẻ, cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp là UBND cấp huyện, rồi tới UBND cấp xã, Sở sẽ phối hợp để kiểm tra giám sát. Trong trường hợp xảy ra ngộ độc thực phẩm Sở Y tế sẽ chỉ đạo Chi cục ATTP và các cơ sở y tế vào cuộc để tham gia vào công tác điều trị cũng như điều tra", lãnh đạo Sở Y tế Khánh Hòa thông tin.
Về vấn đề này, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở ATTP TP.HCM, cho biết từ đầu năm 2024 đến nay, toàn thành phố xảy ra 4 vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm (chưa tính vụ mới nhất xảy ra ngày 2.5 tại TP.Thủ Đức). Tất cả 4 vụ có 2.849 người ăn, 18 người nhập viện, không có người tử vong. "Đã có 2 vụ kết luận không đủ yếu tố kết luận ngộ độc thực phẩm, 2 vụ vẫn đang được quận, huyện điều tra. Theo phân cấp chuyên môn, vụ nghi ngộ độc ATTP dưới 30 người thì do quận, huyện kết luận, còn Sở ATTP đôn đốc", bà Phong Lan nói.
Theo người đứng đầu Sở ATTP, hiện TP.HCM có 15.400 điểm bán thức ăn đường phố có quản lý, nhưng những điểm bán thức ăn đường phố di động không thuộc đối tượng cấp giấy đủ điều kiện ATTP vì là cơ sở nhỏ lẻ được quận, huyện quản lý trực tiếp nên hoàn toàn trông chờ vào quản lý, thanh tra, kiểm tra. Vấn đề này được quận, huyện đưa vào nội dung quản lý trực tiếp còn Sở ATTP quản lý thực phẩm đầu vào cho cả thành phố, nguyên liệu thức ăn tươi sống. Trong trách nhiệm của mình, Sở ATTP cũng có tham gia quản lý, nâng cao nhận thức cho người bán như tập huấn, kiểm tra; kiểm soát hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ; trang bị cho các hàng quán dụng cụ để giảm thiểu nguy cơ; xử phạt; tập trung xây dựng các tuyến đường ATTP đường phố…
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở ATTP, những điểm bán thức ăn đường phố nhỏ rất khó kiểm soát và quản lý. Dù có những điều khoản xử phạt nghiêm, như không đeo bao tay có thể xử phạt 3 triệu đồng, nhưng thực tế không hề dễ như xử phạt ở nhà hàng. Bà Phong Lan nêu những vấn đề như cần kiểm tra xem cơ sở có nấu cơm từ hôm trước, để qua đêm rồi hôm sau làm cơm cuộn hay người bán hàng hôm trước bán ế, hôm sau hâm lại bán tiếp hay không? Tất cả cần được kiểm soát thường xuyên hơn nữa. "Nhưng khó khăn hiện nay là quận, huyện và ngay cả Sở ATTP cũng thiếu người trong khi dân số thành phố đông, nhiệm vụ đảm bảo ATTP lớn. Quản lý thức ăn đường phố dù khó, nhưng vẫn phải làm", bà Phong Lan khẳng định.
Trong tháng hành động vì ATTP này, Sở ATTP đã có công văn gửi Sở GD-ĐT và các trường học đề nghị vận động phụ huynh đừng mua hàng rong cho con. "Nhưng khó khăn về kinh tế hiện nay khiến nhiều người lựa chọn thức ăn rẻ và ý thức chủ quan ăn no bụng là được. Do đó, bên cạnh trách nhiệm của cơ quản lý, thì vấn đề vẫn trông chờ vào ý thức của người tiêu dùng để tự bảo vệ mình vì ăn thực phẩm là trả giá bằng sức khỏe của bản thân", PGS-TS Phong Lan khuyến cáo và nói thêm nếu đảm bảo nguyên tắc ăn chín, uống sôi thì giảm được 90% nguy cơ ngộ độc cấp tính do vi khuẩn.
Ngày 11.9.2023, sau khi ăn bánh mì Phượng (ở TP.Hội An), có tổng cộng 313 người bị ngộ độc theo số liệu thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Nam, trong đó có 103 người nước ngoài; 273 người phải nhập viện cấp cứu tại các cơ sở y tế ở Quảng Nam và TP.Đà Nẵng. Hộ kinh doanh bánh mì Phượng bị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam xử phạt hành chính 96 triệu đồng và đình chỉ sản xuất, kinh doanh 3 tháng. Ngày 3.4.2024, nhóm 23 HS lớp 4 tại 1 trường tiểu học và THCS ở H.Cam Lộ (Quảng Trị) có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, nôn, đau đầu... Nguyên nhân, có 1 HS trộn nước vào đồ chơi slam, sau đó lấy hỗn hợp này nhỏ vào bình nước uống tại lớp khiến 23 HS sử dụng nước uống sau đó bị ngộ độc, nhiều em phải chuyển đến BV theo dõi.
Mạnh Cường - Nguyễn Phúc