Bộ Y tế vào cuộc vụ ngộ độc sau ăn bánh mì ở Đồng Nai

01:08 - 05/05/2024

Số người bị ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai tăng liên tục, đến trưa 3.5 đã lên đến 473 người. Hiện Công an TP.Long Khánh (Đồng Nai) đang khẩn trương truy vết nguồn gốc thực phẩm. Bộ Y tế cũng đã cử đoàn công tác vào nắm tình hình, hỗ trợ Đồng Nai lấy mẫu xét nghiệm tìm nguồn vi khuẩn gây ngộ độc hàng loạt.

473 người bị ngộ độc

Ngày 3.5, đoàn công tác của Bộ Y tế do ông Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), làm trưởng đoàn đã vào Đồng Nai kiểm tra, làm việc liên quan vụ ngộ độc sau ăn bánh mì.

Báo cáo với đoàn công tác, ông Tăng Quốc Lập, Phó chủ tịch UBND TP.Long Khánh, cho biết tính đến 12 giờ ngày 3.5, có tổng cộng 473 người bị ngộ độc bánh mì vào viện khám và điều trị. Cụ thể, Bệnh viện (BV) đa khoa khu vực Long Khánh tiếp nhận 451 ca, đang điều trị 324 ca, chuyển viện 11 ca, xuất viện 19 ca, cấp toa thuốc điều trị tại nhà 96 ca; BV đa khoa Cao su Đồng Nai tiếp nhận 22 ca, đang điều trị 1 ca, xuất viện 1 ca.

Bộ Y tế vào cuộc vụ ngộ độc sau ăn bánh mì ở Đồng Nai

Gần 500 người ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì tại cơ sở Băng

Lê Lâm

Theo ông Lập, ngay khi vụ việc xảy ra, TP.Long Khánh đã chỉ đạo các phòng ban chức năng tiến hành kiểm tra cơ sở bánh mì Băng và buộc ngưng hoạt động từ trưa 1.5 cho đến khi có kết luận vụ việc. Đồng thời thông tin kịp thời về sự việc để người dân biết nếu có ăn bánh mì tại cơ sở này thì chủ động đến cơ sở y tế để điều trị. Tiếp đó, UBND TP.Long Khánh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp tiến hành lấy mẫu thực phẩm được lưu tại cơ sở gửi kiểm nghiệm tại Viện Y tế công cộng TP.HCM. Ngoài ra, UBND TP.Long Khánh còn chỉ đạo lực lượng công an truy vết nguồn gốc các thực phẩm đã cung cấp cho cơ sở bánh mì Băng.

Theo kết quả điều tra, nguyên phụ liệu chế biến cũng như bánh mì đa phần mua ở bên ngoài từ nhiều cơ sở khác nhau. Có những loại thực phẩm cơ sở mua về tự chế biến như patê, rau, dưa, đồ chua… "Hiện các đơn vị chức năng đã xác minh được tất cả các nguồn gốc cung cấp nguyên phụ liệu cơ sở bánh mì Băng. Riêng mặt hàng thịt phụ da bao thì được lấy từ Long An. Sáng cùng ngày 3.5, UBND TP.Long Khánh đã chỉ đạo Công an TP.Long Khánh phối hợp với cơ quan chức năng tỉnh Long An xác minh cơ sở này", ông Lập cho biết.

Đại diện lãnh đạo Công an TP.Long Khánh cho biết thêm, bước đầu cơ quan chức năng xác định vụ ngộ độc có dấu hiệu vi phạm quy định về ATTP theo điều 317 bộ luật Hình sự.

Ông Nguyễn Hùng Long hoan nghênh BV đa khoa khu vực Long Khánh đã xử lý bài bản vụ ngộ độc, dự báo tốt và có giải pháp kịp thời. Về công tác quản lý, ông Long yêu cầu địa phương cần có biện pháp tuyên truyền, giáo dục và tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với những nhóm đối tượng có nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm cao.

Làm rõ việc không có giấy chứng nhận ATTP

Đánh giá về tình trạng pháp lý của tiệm bánh mì Băng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế tỉnh Đồng Nai) cho hay tại thời điểm kiểm tra, tiệm bánh mì không có giấy phép kinh doanh tại địa chỉ khu phố 2, P.Xuân Bình, TP.Long Khánh (tại vị trí thửa đất 192, tờ bản đồ số 10 thuộc P.Xuân Bình).

Tuy nhiên, bà N.T.K.B đã sử dụng Giấy phép kinh doanh số 47F8015343 cấp ngày 27.9.2021 do Phòng Tài chính - Kế hoạch (UBND TP.Long Khánh) cấp cho bà N.T.K.P (con ruột của bà B., đã đi nước ngoài từ tháng 2.2023), làm chủ hộ kinh doanh có địa chỉ tại 148/18 Trần Quang Diệu, khu phố 2, P.Xuân Bình (TP.Long Khánh). Theo trình bày của bà N.T.K.B, hộ kinh doanh N.T.K.P vẫn đóng thuế môn bài và thuế khoán hằng tháng đầy đủ. Ngoài ra, tiệm bánh mì Băng không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; số người lao động 4 người, không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về ATTP, không có giấy khám sức khỏe.

Liên quan đến vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP.Long Khánh Tăng Quốc Lập lý giải: Cơ sở này trước đây được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vào năm 2021, ngành nghề là ăn uống thuộc hộ kinh doanh cá thể, nhưng địa điểm đăng ký ở nơi khác. Sau đó chuyển địa điểm về chỗ hiện nay, và giấy đăng ký kinh doanh cơ sở xuất trình lại đăng ký tên người con gái. "TP xác định rằng đây là cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ và không có đăng ký kinh doanh, từ đó theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP, cơ sở này cũng không thuộc đối tượng phải có giấy chứng nhận ATTP", ông Lập cho hay.

Phó cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Hùng Long truy vấn: "Cơ sở này không có giấy đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận ATTP thì hoạt động có đúng quy định pháp luật không?", Phó chủ tịch UBND TP.Long Khánh trả lời: "Khi kiểm tra cơ sở xuất trình giấy đăng ký kinh doanh như đã nói trên, về mặt pháp lý thì không đảm bảo. Bởi vì địa điểm kinh doanh lẫn tên người đăng ký khác với địa điểm và chủ cơ sở đang hoạt động, cho nên TP.Long Khánh xác định điểm kinh doanh này không đúng pháp luật".

Ông Nguyễn Hùng Long cho rằng cần xác định đúng đối tượng để quản lý. "Nghị định 15 quy định cơ sở kinh doanh thực phẩm có sẵn và sản xuất ban đầu nhỏ lẻ như trồng ít rau, nuôi ba con heo, vài con gà thì không phải cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Còn cơ sở bánh mì chế biến thức ăn thì thuộc diện sản xuất, có mua gan về chế biến patê tại nhà. Mà đã sản xuất thì phải đăng ký kinh doanh, phải khám sức khỏe và phải được tập huấn", ông Long phân tích.

 
 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

LỊCH PHÁT SÓNG TRUYỀN HÌNH

Thanh toán hóa đơn SCTV

Cáp nét siêu tốc - Cơn lốc quà tặng từ SCTV

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Liên kết trang

sctvonline Trang tin nhịp sống hôm nay
scj-shopping Truyền hình cáp SCTV

 

Nguồn: Vietcombank

Kết quả xổ số

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...