Thiếu vitamin A là một vấn đề sức khỏe đáng quan tâm tại các nước đang phát triển, có thể dẫn đến mù lòa, đặc biệt là quáng gà và bệnh khô mắt ở trẻ em.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, toàn cầu có khoảng 190 triệu trẻ dưới 5 tuổi bị thiếu vitamin A, chủ yếu tại các nước Đông Nam Á và châu Phi cận Sahara. Tại Việt Nam, báo cáo từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2020 cho thấy, tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ 6-59 tháng tuổi là 9,5%, có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng ở mức độ nhẹ, tỷ lệ này còn cao ở các vùng miền núi phía Bắc (13,8%) và Tây Nguyên (11,0%).
Hậu quả của thiếu vitamin A
– Suy giảm thị lực: Là nguyên nhân chính gây mù lòa có thể phòng ngừa ở trẻ em. Các triệu chứng ban đầu như quáng gà và khô mắt nếu không được điều trị có thể tiến triển thành loét giác mạc và mù lòa vĩnh viễn.
– Suy giảm miễn dịch: Trẻ thiếu vitamin A dễ mắc các bệnh như tiêu chảy, sởi và nhiễm khuẩn hô hấp, làm tăng nguy cơ tử vong.
– Ảnh hưởng đến tăng trưởng và phát triển: Làm chậm sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ.
– Nguy cơ biến chứng sản khoa: Thiếu vitamin A ở phụ nữ mang thai có thể dẫn đến thai nhi chậm phát triển, sẩy thai, hoặc tử vong mẹ do các biến chứng sản khoa.
Nguyên nhân của thiếu vitamin A
– Hấp thu kém vitamin A: Do chế độ ăn thiếu dầu mỡ hoặc mắc các bệnh làm giảm khả năng hấp thu như tiêu chảy, nhiễm ký sinh trùng đường ruột hoặc nhiễm trùng nặng.
– Tăng nhu cầu cơ thể: Trẻ em, phụ nữ mang thai và cho con bú cần nhiều vitamin A hơn để hỗ trợ tăng trưởng và phát triển.
Biện pháp can thiệp phòng chống thiếu vitamin A
Bữa ăn hàng ngày cần đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm. Khuyến khích sử dụng thực phẩm giàu vitamin A như gan, trứng, cá, rau xanh đậm (rau ngót, rau đay), và rau quả màu cam, đỏ (bí đỏ, cà rốt, cà chua).
Cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu; cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn.
Sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng sẵn có ở địa phương cho bữa ăn bổ sung hằng ngày của trẻ; thêm mỡ hoặc dầu ăn để tăng cường hấp thu vitamin A và các vitamin tan trong chất béo.
Cho trẻ trong độ tuổi uống vitamin A một năm 2 lần theo hướng dẫn của trạm y tế xã, phường.
Để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ, đặc biệt là vitamin A, TP Hồ Chí Minh triển khai chiến dịch cho trẻ từ 6 đến 35 tháng tuổi uống vitamin A đợt 2 năm 2024.
Theo đó, các trạm y tế xã, phường, thị trấn sẽ đồng loạt tổ chức cho trẻ từ 6 đến 35 tháng tuổi uống vitamin A trong hai ngày 1 và 2/12/2024. Bên cạnh đó, trong một số điều kiện nhất định, trường học cũng phối hợp với ngành Y tế địa phương để tổ chức cho trẻ uống vitamin A tại trường. Phụ huynh cần lưu ý mỗi đợt chỉ uống 1 lần duy nhất. Vì vậy, cần báo cho nhân viên y tế biết nếu trẻ đã được cho uống vitamin A tại trạm y tế hoặc trường học trong đợt chiến dịch.
Hãy đưa trẻ 6 – 35 tháng tuổi đến uống vitamin A từ ngày 1-2/12/2024 tại trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...