Test-optional, quy định tuyển sinh không bắt buộc ứng viên nộp kết quả các bài thi chuẩn hóa, được hơn 1.900 ĐH Mỹ áp dụng cho kỳ mùa thu 2024 theo thống kê từ Trung tâm Khảo thí công bằng và minh bạch Mỹ (FairTest). Xu hướng này nổi lên từ lúc dịch Covid-19 bùng phát, khi đó nhiều trung tâm khảo thí tại các quốc gia phải đóng cửa khiến thí sinh mất cơ hội dự thi và tăng gánh nặng về tài chính.
Tuy nhiên, trong bối cảnh số lượng du học sinh bùng nổ hậu Covid-19 và các quốc gia lớn dần siết lại chính sách thị thực, một số ĐH top đầu Mỹ dần từ bỏ test-optional và lại yêu cầu điểm các bài thi chuẩn hóa, mới đây nhất là Yale - ngôi trường đứng thứ 10 thế giới, hạng 7 tại Mỹ theo bảng xếp hạng ĐH của trang Times Higher Education. Đây cũng là cái tên thứ 2 trong Ivy League (8 ĐH tư thục tinh hoa của Mỹ) ra quyết định này.
Điểm số chỉ là một yếu tố
Theo thông báo chính thức hôm 22.2, ĐH Yale tuyên bố sẽ bắt buộc nộp điểm các bài thi chuẩn hóa từ kỳ mùa thu năm 2025 trở đi. Ngoài hai lựa chọn truyền thống là SAT hoặc ACT, lần đầu tiên đơn vị này cho phép học sinh dùng điểm thi của chương trình dự bị ĐH (AP) hay tú tài quốc tế (IB) trong hồ sơ ứng tuyển. "Đây là kết quả của 4 năm nghiên cứu và phản tư", văn bản nêu.
Ông Jeremiah Quinlan, Trưởng phòng tuyển sinh ĐH và hỗ trợ tài chính tại ĐH Yale, cho rằng mọi người thường hiểu lầm là hồ sơ ứng tuyển sẽ bị bỏ qua nếu điểm thấp hơn một ngưỡng nhất định. "Thực tế là những điểm số này luôn được xem xét, sau đó được cân nhắc cùng các chỉ số học thuật khác cũng như bối cảnh gia đình, trường học và địa phương nơi người học sinh sống", ông Quinlan trả lời trang YaleNews.
"Lời khuyên của tôi dành cho học sinh là đừng để điểm số định hình con người bạn: dù điểm của bạn hoàn hảo hay nằm dưới mức trung bình của Yale, thì chính những yếu tố khác làm cho đơn đăng ký của bạn nổi bật trong 'biển' hồ sơ. Chúng bao gồm những phẩm chất như tò mò, lãnh đạo, sáng tạo, quan tâm đến người khác và tháo vát. Điểm thi không làm sáng tỏ bất kỳ yếu tố nào trong số đó", ông Quinlan nói.
Đồng tình với quan điểm này, thông báo của ĐH Yale cho hay quy trình xét duyệt của trường đánh giá sự toàn diện của ứng viên. "Yale chưa từng và sẽ không bao giờ dựa vào mỗi điểm thi để đánh giá sự chuẩn bị của học sinh. Chúng tôi đọc đơn ứng tuyển một cách toàn diện, sử dụng tất cả thông tin có sẵn để vẽ nên bức tranh về điểm mạnh và tiềm năng đóng góp của học sinh cho cộng đồng ĐH", văn bản nhấn mạnh.
Hiệu ứng domino?
Theo ông Jeremiah Quinlan, ĐH Yale yêu cầu nộp điểm các bài thi chuẩn hóa trở lại do đây là yếu tố dự đoán được sự thành công trong học thuật của sinh viên ở trường. Ngoài ra, các bài thi chuẩn hóa có thể tăng cường tính đa dạng trong lớp học và việc mời học sinh nộp đơn ứng tuyển mà không yêu cầu bất kỳ điểm thi nào "có thể vô tình gây bất lợi cho những bạn thuộc tầng lớp thu nhập thấp, thế hệ thứ nhất (người đầu tiên trong gia đình được đến trường ĐH - PV) và nông thôn".
Trước Yale, Dartmouth là ĐH đầu tiên trong Ivy League quay lại dùng bài thi chuẩn hóa trong tuyển sinh, cũng với lý do tương tự. Trong tuyên bố đưa ra hôm 5.2, trường lý giải test-optional chỉ áp dụng tạm thời để ứng phó tình hình dịch Covid-19, đồng thời trích dẫn kết quả nghiên cứu cho thấy các bài thi chuẩn hóa mới là "yếu tố quan trọng dự đoán sự thành công của sinh viên tại trường".
MIT vào năm 2022 cũng yêu cầu ứng viên nộp điểm các bài thi SAT hoặc ACT, sau 2 năm không bắt buộc, "nhằm giúp chúng tôi tiếp tục xây dựng một MIT đa dạng và tài năng", theo ông Stu Schmill, Trưởng phòng tuyển sinh và dịch vụ tài chính sinh viên tại MIT. "Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy các bài thi chuẩn hóa giúp chúng tôi đánh giá khả năng chuẩn bị học tập của tất cả ứng viên tốt hơn", ông Schmill nói.
Tuy nhiên, Yale, Dartmouth hay MIT chỉ chiếm thiểu số trong nhóm các trường hàng đầu Mỹ. Ở nhóm Ivy League, ĐH Harvard tuyên bố giữ test-optional cho đến các khóa tốt nghiệp năm 2030, còn ĐH Columbia áp dụng test-optional từ năm 2023. Trong khi đó, hệ thống ĐH California ban hành quy định "test-blind", tức sẽ không xem xét điểm số ngay cả khi ứng viên đính kèm trong hồ sơ.
Tuy nhiên, thực tế này có thể sớm thay đổi, chí ít là trong một nhóm trường nhất định. "Quyết định từ bỏ test-optional chắc chắn sẽ tạo 'hiệu ứng domino', nhưng sẽ không lan rộng mà chủ yếu ở các trường Ivy League hoặc cùng lắm là top 20 ĐH hàng đầu. Điều này nhằm phân loại, sàng lọc và tuyển sinh học sinh chất lượng", ông Vũ Thái An, Giám đốc Công ty du học GLINT (TP.HCM), lý giải.
Cũng theo ông An, hơn 80% ĐH Mỹ hiện vẫn không yêu cầu điểm các bài thi chuẩn hóa, một phần là để có thêm cơ hội tiếp nhận những sinh viên không thể tiếp cận SAT hay ACT. Bởi nếu các trường muốn nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo và siết chặt đầu vào của sinh viên quốc tế, họ có thể cân nhắc nhiều yếu tố khác trong hồ sơ ứng tuyển, như bài luận, hoạt động ngoại khóa hay các môn AP, IB.