Mỗi năm, trung bình TP.HCM cần tuyển thêm khoảng 5.000 giáo viên (GV) cho các bậc học từ mầm non cho đến THPT, nhưng số GV trúng tuyển chỉ đạt khoảng 50% so với nhu cầu, thậm chí có môn học rơi vào tình trạng không có ứng viên. Tuy nhiên song song với đó, các trường đang phải xây dựng kế hoạch thực hiện tinh giản biên chế. GV nào sẽ nằm trong diện tinh giản và các trường sắp xếp vị trí việc làm thế nào để đảm bảo công bằng, khách quan, đúng người đúng việc?
Thực hiện Nghị định số 29/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế, TP.HCM đặt ra yêu cầu đối với các đơn vị sự nghiệp công lập phải thực hiện tinh giản biên chế bắt đầu từ giai đoạn 2023-2026. Cụ thể, các trường có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế hằng năm và giảm ít nhất 10% biên chế số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách so với năm 2023.
Theo ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, các trường phải gắn tinh giản biên chế với sắp xếp tổ chức theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ theo vị trí việc làm, phù hợp với cơ chế tự chủ của đơn vị. Thực hiện tinh giản đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch và theo quy định của pháp luật. Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện tinh giản biên chế.
KHÔNG ĐƠN GIẢN TRONG BỐI CẢNH TUYỂN CHƯA ĐỦ GIÁO VIÊN
Cho dù nhìn nhận yêu cầu tinh giản biên chế sẽ giúp bộ máy trường học tinh gọn, đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực trong trường học, xóa bỏ tâm lý chây ỳ vì ai cũng có thể làm đến tuổi nghỉ hưu, tuy nhiên lãnh đạo các trường cũng chỉ ra những khó khăn trong bối cảnh vẫn còn tuyển chưa đủ GV.
Lãnh đạo một trường tiểu học tại H.Nhà Bè cho biết trường đã xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế cho giai đoạn 2023-2026. Trong đó nêu rõ năm 2023 tổ chức rà soát đối tượng; năm 2024 đánh giá chất lượng GV, nhân viên; năm 2025 xem xét GV, nhân viên không đạt tiêu chuẩn về trình độ, nghiệp vụ, chuyên môn theo quy định của ngành thì tinh giản; năm 2026 sắp xếp, cân đối lại GV, nhân viên không đạt đưa ra tinh giản biên chế.
Mặc dù vậy, vị hiệu trưởng này thừa nhận việc tinh giản biên chế theo lộ trình ít nhất 10% số lượng người làm việc được hưởng lương từ ngân sách trong đơn vị giáo dục là rất khó khăn. "Thực trạng hiện nay mỗi năm số lượng học sinh đều tăng nên nhà trường cần thêm GV để đáp ứng nhu cầu giảng dạy với Chương trình GDPT 2018, đảm bảo mỗi lớp học không quá 35 học sinh, học 2 buổi/ngày và tỷ lệ 1,5 GV/lớp. Thế nhưng việc tuyển dụng hằng năm lại không đáp ứng được nhu cầu…", vị này nói.
Hiệu trưởng một trường THPT nổi tiếng tại Q.1 cũng cho biết có trường hiện vẫn đang trong tình trạng tuyển không đủ số biên chế được giao thì tinh giản bằng giải pháp giải quyết nguyện vọng của một số GV muốn nghỉ hưu trước tuổi và đăng ký vào danh sách tinh giản. Còn trường đủ GV thì cân đối, rà soát GV nào thuộc diện tinh giản và tính toán chuyển từ hưởng lương ngân sách sang hưởng lương hợp đồng. Tuy vậy, vị hiệu trưởng này chỉ ra rằng đây là giải pháp linh hoạt, để tinh giản biên chế hợp lý và có nguồn thu nhập cho GV; chứ khi thuộc diện tinh giản thì những GV này sẽ không được hưởng chính sách thu nhập tăng thêm vì Nghị quyết 08 của TP chỉ áp dụng cho đối tượng là nhân viên có hợp đồng lao động trực tiếp với trường.
TINH GIẢN SAO CHO HỢP LÝ?
Trường THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú) với 130 cán bộ, GV, nhân viên hưởng lương từ ngân sách. Theo yêu cầu đặt ra trong tinh giản biên chế, đến năm 2026 trường phải giảm ít nhất 13 GV, nhân viên.
Ông Nguyễn Quang Đạt, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay nhà trường đề ra kế hoạch sẽ giảm số lượng người hưởng lương ngân sách là GV đến tuổi về hưu, GV chỉ còn vài năm công tác, nhân viên… và chuyển sang hưởng lương theo hợp đồng lao động với trường.
Dù xây dựng kế hoạch như vậy nhưng ông Đạt chia sẻ: "Vận động một người đang hưởng lương ngân sách sang hưởng lương theo chế độ hợp đồng lao động là không đơn giản. Bởi lẽ tâm lý đội ngũ vẫn quan niệm là làm việc hưởng lương nhà nước sẽ mang tính ổn định, được đảm bảo về các quyền lợi. Hơn nữa, trước đó để vào được vị trí đang công tác, đội ngũ cũng phải trải qua những vòng thi tuyển gắt gao, tỷ lệ chọi cao".
Do vậy, theo vị hiệu trưởng này, mặc dù quy định đội ngũ trong diện tinh giản sẽ được hưởng các chế độ, quyền lợi, song điều khó nhất để xây dựng kế hoạch và thực hiện tinh giản biên chế không phải là không tìm ra đối tượng phù hợp mà là làm sao thực hiện hài hòa giữa việc tinh giản và ổn định tâm lý đội ngũ. Nhà trường vừa vận động, vừa chia sẻ để GV hiểu cách thực hiện tinh giản biên chế của trường sẽ hạn chế tối đa sự ảnh hưởng đến quyền lợi của thầy cô.
Dư - thiếu giáo viên cục bộ
Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), cho hay thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT có mặt hạn chế rất rõ là dư, thiếu GV cục bộ.
Thông thường ở những trường tốp trên, học sinh chọn các môn khối tự nhiên thì GV các môn xã hội thiếu tiết dạy định mức, và ngược lại. Thêm vào đó, nếu chỉ căn cứ vào dôi dư GV như trên để tinh giản biên chế nhưng nếu "lỡ" năm nào học sinh có sự biến động thì các trường không thể tuyển bổ sung GV kịp thời.
Thế nên ngoài những giải pháp mà các trường đưa ra như trên, ông Phú đề xuất nên chăng khi các trường hoàn tất biên chế lớp thì tính đến biên chế GV. Các trường rà soát và báo cáo với Sở GD-ĐT để điều chuyển GV giữa các trường, có thể trong cụm với nhau để hạn chế việc trường A thì thiếu mà trường B lại thừa.