Chiến dịch được tiến hành giữa lúc hàng triệu tân sinh viên ở Anh bước vào tuần lễ đầu tiên (từ ngày 18.9) tại các ĐH ở Anh, theo tờ The Guardian.
Kết quả khảo sát do công ty YouGov thực hiện với 1.000 sinh viên cho thấy hầu hết thừa nhận trải qua trạng thái tâm lý cô đơn. Gần 50% sinh viên cho rằng họ e ngại định kiến của mọi người xung quanh nếu thừa nhận bản thân bị cô đơn. YouGov thực hiện cuộc khảo sát này theo yêu cầu của chính phủ.
Vì thế, ông Stuart Andrew, Bộ trưởng phụ trách vấn đề bình đẳng, đã phát động chiến dịch nâng cao nhận thức về trạng thái tâm lý cô đơn tại các ĐH. Bộ trưởng Andrew bày tỏ kỳ vọng chiến dịch sẽ giúp sinh viên cởi mở hơn, chia sẻ với mọi người về cảm xúc của mình.
Trong tâm lý học, sự cô đơn được định nghĩa là trạng thái đơn độc và là một vấn đề về tâm lý. Sự cô đơn khiến một người cảm thấy trống rỗng và đơn độc. Những người cô đơn cũng muốn liên lạc với người khác, nhưng trạng thái tâm lý này khiến cho việc kết nối trở nên khó khăn hơn. Theo các chuyên gia, cô đơn không nhất thiết phải ở một mình. Chẳng hạn, một sinh viên năm nhất có thể cảm thấy cô đơn dù sống chung với các bạn cùng phòng trong ký túc xá.
Nhiều người ở Anh lên tiếng ủng hộ chiến dịch của Bộ trưởng Andrew. Trong khi đó, một số chuyên gia và sinh viên cho rằng chiến dịch gây lãng phí ngân sách, mơ hồ, không mang đến kết quả cụ thể, theo tờ The Guardian.
Ông Paul Crawford, chuyên gia ĐH Nottingham, Giám đốc Viện Sức khỏe tâm thần, nhận định: “Chiến dịch này không có bất kỳ cơ sở hạ tầng nào để thực hiện. Lý do là cơ hội để người trẻ gặp gỡ và học cách xây dựng mối quan hệ không còn khi thư viện, trung tâm thanh thiếu niên, không gian công cộng bị đóng cửa (vì cắt giảm ngân sách) hoặc không được chính phủ đầu tư phát triển phù hợp”.
Kế hoạch 10 điểm nhằm giảm bớt tình trạng tâm lý cô đơn của Bộ trưởng Andrew:
- Dành thời gian giúp đỡ người khác, như tham gia hoạt động tình nguyện của các nhóm sinh viên hoặc trò chuyện thường xuyên với những người đang cảm thấy bị cô lập
- Giữ liên lạc với bạn bè và gia đình qua điện thoại
- Sắp xếp thời gian làm những điều gì đó thú vị cùng bạn bè
- Tham gia câu lạc bộ hoặc hiệp hội tại trường ĐH để kết nối với những người có cùng sở thích
- Làm những việc bạn thích, chẳng hạn chơi thể thao, đọc sách hoặc nghe nhạc
- Hãy cởi mở với mọi người vì ĐH là môi trường tuyệt vời để gặp gỡ, giao lưu và kết nối
- Hãy nhớ rằng một số người chỉ chia sẻ những điều tốt đẹp trên mạng xã hội vì vậy cố gắng tránh so sánh
- Chia sẻ cảm xúc, trò chuyện với người mà bạn tin tưởng
- Hãy liên hệ với các dịch vụ hỗ trợ sinh viên của trường ĐH để được hỗ trợ
- Hãy nhớ rằng những người khác cũng có thể có cảm giác tương tự, vì vậy bạn không đơn độc
Một số sinh viên, chuyên gia thắc mắc chiến dịch sẽ hỗ trợ sinh viên bị cô đơn bằng cách nào. Tờ The Guardian dẫn lời cô Chloe Field, Phó chủ tịch Hiệp hội Sinh viên quốc gia (Anh), đánh giá chiến dịch này “chỉ đưa ra những lời khuyên ở mức độ rất cơ bản”.
“Sinh viên vẫn trò chuyện với nhau hằng ngày. Vấn đề là không có ai để tư vấn và không có liệu pháp điều trị tâm lý phù hợp. Hiện chi phí học ĐH đắt đỏ, sinh viên phải đi làm thêm nhiều giờ, thường đến tận đêm khuya. Sinh viên không có thời gian để giao tiếp và vui chơi. Không có gì ngạc nhiên khi sinh viên cô đơn”, cô Field lưu ý.
Trước đó, chính phủ Anh nhấn mạnh ngăn ngừa trạng thái tâm lý cô đơn ở người trẻ là ưu tiên hàng đầu. Chính phủ chi ngân sách hơn 3,6 triệu bảng Anh cho dự án nền tảng trực tuyến về sức khỏe tâm thần nhằm hỗ trợ trực tuyến cho sinh viên, kéo dài cho đến năm 2026. Riêng chương trình này được nhiều chuyên gia ủng hộ.