Mất rất nhiều thời gian cho sổ sách
Theo Thông tư số 32 của Bộ GD-ĐT, giáo viên chỉ còn 3 loại hồ sơ, sổ sách, cụ thể: kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học); kế hoạch bài dạy (giáo án); sổ theo dõi và đánh giá học sinh.
Tuy nhiên, giáo viên kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn có thêm kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn (theo năm học, 5-6 loại kế hoạch); sổ ghi chép nội dung sinh hoạt chuyên môn (biên bản). Giáo viên kiêm công tác chủ nhiệm có 4 loại hồ sơ, sổ sách, nhưng thực tế còn nhiều hơn thế.
Khung kế hoạch dạy học của tổ chuyên môn khiến nhiều thầy cô tổ trưởng ngao ngán. Đối với những tổ chuyên môn ghép, tổ tích hợp phải làm đến cả trăm trang kế hoạch.
Trong bản kế hoạch, ngoài thông tin cá nhân các tổ viên, đặc điểm tình hình, liệt kê thiết bị dạy học, các chỉ tiêu, giải pháp thực hiện thì mục thực hiện phân phối chương trình chiếm số trang nhiều nhất. Ngoài số tiết, số tuần, tên bài học, đồ dùng dạy học, giáo viên phải đưa vào yêu cầu cần đạt của từng bài học đối với tất cả các khối lớp. Đây là mục giáo viên phải tốn công nhiều nhất và nó cũng vô lý nhất.
Mục yêu cầu đạt mỗi bài học phải đưa vào hàng chục câu văn mới đầy đủ theo hướng dẫn. Do đó, chỉ với 2-3 tiết học, giáo viên phải trình bày hết 1 trang giấy A4.
Các môn ngữ văn và toán có số tiết nhiều nhất. Chẳng hạn, ở cấp THCS, hai môn này đều có 4 tiết/tuần. Riêng ngữ văn lớp 9 có 5 tiết/tuần nên môn này có tổng cộng 175 tiết/năm học. Hiện giáo viên phải dạy thêm phân môn ngữ văn trong môn nội dung giáo dục địa phương nên mỗi năm có tới hơn 600 tiết học. Vì vậy, giáo viên phải mất nhiều ngày làm liên tục mới có thể liệt kê hết các mục tiêu cần đạt của mỗi bài học, tiết học.
Tổ khoa học tự nhiên cũng có số tiết khá lớn: 4 tiết/tuần (lớp 6, 7, 8); vật lý, hóa, sinh học ở lớp 9 cũng có tổng số 4 tiết/tuần. Ngoài ra, còn có thêm môn công nghệ lớp 6, 7, 8 mỗi tuần có 1 tiết và công nghệ 9 mỗi tuần có 2 tiết. Vì thế, đầu năm học, các tổ trưởng, tổ phó chuyên môn rất áp lực khi làm kế hoạch chuyên môn cho tổ.
Kế hoạch bài dạy (giáo án) theo hướng dẫn của Công văn 5512 của Bộ GD-ĐT cũng khiến cho giáo viên những môn nhiều tiết khá vất vả. Mỗi giáo viên thường được phân công giảng dạy 2 khối lớp.
Nếu giáo viên được phân công dạy ngữ văn 9 và 1 khối lớp nữa sẽ có tổng cộng 315 tiết/năm học. Vì vậy, chỉ riêng kế hoạch bài dạy của giáo viên môn ngữ văn cấp THCS mỗi năm cũng lên hàng ngàn trang giấy và tất nhiên giáo viên phải mất rất nhiều thời gian mới hoàn thành được kế hoạch này. Những giáo viên kiêm nhiệm thêm công tác giáo viên chủ nhiệm hoặc tổ trưởng chuyên môn còn phải làm thêm nhiều kế hoạch khác.
Giáo viên không còn thời gian đầu tư cho chuyên môn
Khi họp tổ, họp hội đồng sư phạm hay chi bộ nhà trường, mỗi giáo viên được phát một tờ giấy về nội dung. Giáo viên xem nội dung đó và nếu họ thấy có thêm nội dung nào quan trọng thì ghi thêm vào sổ họp hoặc viết chen vào tờ giấy nội dung ấy để thực hiện nhiệm vụ. Thậm chí, có trường bắt buộc giáo viên phải ghi chép nội dung này vào sổ hội họp và nếu khi kiểm tra không có sẽ bị phê bình.
Lúc dự giờ rút kinh nghiệm với nhau, giáo viên ghi giống hệt học sinh, thầy cô dạy chép trên bảng sao thì giáo viên dự giờ ghi như vậy. Trong khi, chuyên môn họ đã có thì chỉ cần ghi chú những vấn đề cần thiết.
Chưa kể, nhiều trường học yêu cầu giáo viên phải nộp sổ dự giờ, quy định số tiết một cách rất máy móc. Dù các văn bản hướng dẫn dự giờ hiện nay đã rất khác trước nhưng giáo viên vẫn tỉ mẩn ghi chép như học trò ngồi học.
Do đó, giáo viên khó có thể tập trung vào chuyên môn bởi năm nào cũng tất bật làm hàng loạt kế hoạch, ghi chép sổ sách. Ngành giáo dục khuyến khích số hóa nhưng giáo viên cứ phải viết tay nhiều loại sổ sách, giấy tờ.
Thực tế cho thấy giáo viên vẫn phải ngày đêm gồng gánh nhiều thứ sổ sách. Đó là một sự lãng phí rất lớn về mặt thời gian và công sức. Thử đem ra phép tính trung bình mỗi ngày một giáo viên dành mười lăm phút “trang điểm” cho các loại sổ sách ngoài chức năng giáo dục học sinh thì một đời làm giáo viên (trung bình 30 năm) sẽ lãng phí biết bao nhiêu thời gian. Áp lực sổ sách góp phần giảm chất lượng dạy học của người thầy. Từ đó, một số giáo viên tìm ra những “sáng kiến” sao chép để đối phó. Nhiều thầy cô vẫn còn gánh nặng sổ sách, một phần là vì ban giám hiệu vẫn còn… bệnh hình thức.