>> Tỉnh nghèo mua ô tô nhiều nhất cả nước, “con gà tức nhau tiếng gáy”?
Nghĩ thấy tủi
Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, năm 2023 cả nước có 7 tỉnh có số lượng ô tô con, do người dân mua và đăng ký lần đầu, dưới 1.000 xe các loại. Thấp nhất là tỉnh Lai Châu với 535 xe, tiếp đến là Bắc Kạn với 550 xe, Cao Bằng 716 xe, Điện Biên 725 xe, Hà Giang 820 xe, Kon Tum 864 xe và Bạc Liêu 958 xe. Tổng cộng 7 tỉnh này mua có 5.168 xe, chiếm chưa tới 2% thị phần ô tô con từ 9 chỗ ngồi trở xuống, chỉ tương đương với con số của tỉnh Thái Nguyên và kém xa các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.
Trong số này có 5 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc, 1 tỉnh khu vực Tây Nguyên và 1 tỉnh khu vực Đồng băng sông Cửu Long. Đây là các tỉnh có dân cư thưa thớt, dưới 1 triệu người. Khu vực miền núi phía Bắc và Kon Tum có nhiều đồi núi, hạ tầng giao thông chưa phát triển. Lai Châu, Bắc Cạn, Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên và Kon Tum thuộc diện tỉnh nghèo, thu nhập nhập bình quân đầu người năm 2023 dưới 60 triệu đồng/năm.
Với các tỉnh miền núi phía Bắc và Kon Tum, do địa hình núi cao, giao thông chưa phát triển và nhiều đồng bào dân tộc cuộc sống còn nghèo. Để có được một vài chiếc xe máy và tivi tươm tất với mỗi gia đình cũng không dễ dàng gì, chưa dám mơ ô tô. Ô tô chỉ tập trung tại những đô thị của tỉnh.
Còn Bạc Liêu thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, vốn đã nằm trong khu vực có tỷ lệ hộ gia đình sở hữu ô tô thấp nhất cả nước. Theo kết quả Tổng điều tra dân số nhà ở 2019 của Tổng cục Thống kê, tại Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 2,5% hộ gia đình có ô tô, thấp nhất so với các khu vực khác cả nước.
Đại diện của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, những địa phương trên có doanh số bán hàng năm thấp, do nhu cầu thấp và quy mô thị trường nhỏ. Số khách hàng mua ô tô con tất các loại của cả tỉnh một năm, chỉ tương đương với doanh số bán xe của 1 đại lý tại thành phố lớn.
Một số đại lý bán ô tô ở khu vực miền núi phía Bắc thừa nhận, doanh số bán không như mong đợi và phải giảm giá, khuyến mãi nhiều hơn để kích cầu, thậm chí có thời kỳ phải mang xe về miền xuôi bán.
Ước được như Thái Lan
>> Tỉnh nghèo Nghệ An lọt top 3 địa phương mua nhiều ô tô nhất cả nước
Anh Lê Văn Toàn, một lương y ở TP. Hà Giang, đang sử dụng chiếc xe bán tải (pick up) nhận xét nó rất phù hợp với địa hình đồi núi đèo dốc. Nhờ chiếc xe này mà ngày ngày, anh có thể lên rừng tìm cây thuốc, chất đầy thùng xe rồi chở về. Nó thực sự rất hữu ích trong công việc. Anh Toàn kể đã từng sang miền Bắc Thái Lan, ở đó nhiều đồi núi giống Việt Nam, nhà dân nào cũng có ô tô, chủ yếu là xe bán tải. Nông dân đi làm đồng cũng dùng xe pick up, chở dụng cụ và nông sản ra chợ bán.
Theo anh Toàn, với khu vực miền núi phía Bắc, xe bán tải rất phù hợp, kinh tế đang phát triển, nếu gia đình nào có xe sẽ giúp tăng năng suất và thu nhập. Tuy nhiên, giá xe tại Việt Nam quá cao, một chiếc bán tải 2 cầu hiện nay mua và ra biển số xong, chi phí vào khoảng 700 triệu đồng, nó quá xa tầm với so với thu nhập của đa số người dân nơi đây.
Theo thống kê, mặt hàng chịu gánh nặng thuế, phí nhất hiện nay chính là ô tô cá nhân từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Ô tô cá nhân đang phải chịu 3 loại thuế chính gồm: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng. Đây đều là thuế gián thu, người mua xe phải trả. Hơn nữa, ba loại thuế này còn bị đánh chồng lên nhau, nên thường chiếm từ 30- 60% trong giá bán, tùy từng mẫu xe. Ngoài ra, người mua xe còn phải chịu thêm lệ phí trước bạ từ 10-12%, tính trên giá bán tùy từng địa phương, chưa kể những phí khác.
Tính ra, giá ô tô Việt Nam cao gần gấp đôi so với các nước như Thái Lan, Indonesia và con số này còn lớn hơn nữa nếu so với các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản... Với thu nhập bình quân đầu người những tỉnh trên dưới 60 triệu đồng/năm thì người dân phải nhịn ăn tiêu tới hơn chục năm mới mua được chiếc xe pick up có giá bán 700 triệu đồng. Trong khi đó, những “cơn sốt” đất chưa hề kéo qua đây.
Với mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình cao từ nay đến 2030, ô tô sẽ là phương tiện di chuyển phổ biến. Tuy nhiên, có lẽ phổ cập ô tô với những địa phương trên là quá xa vời, bởi khoảng cách so với các địa phương khác khá lớn.
Chuyên gia Nguyễn Minh Đồng cho rằng, các địa phương này cần đẩy nhanh phát triển kinh tế, giúp tăng thu nhập cho người dân. Cùng với đó là giảm giá ô tô xuống, hoặc phải có trợ giá từ Nhà nước nếu muốn nhanh chóng thu hẹp khoảng cách trên.