Nếu như khoảng 2 năm trước đây, nhiều phân khúc ô tô tại Việt Nam như xe cỡ nhỏ hạng A, sedan hạng B, sedan hạng C hay SUV đô thị… từng cho thấy sự áp đảo của các mẫu mã xe Hàn Quốc trong cuộc đua doanh số, thì đến nay cục diện đang thay đổi. Từ vị thế của những kẻ thống lĩnh phân khúc cũng như cuộc đua ô tô bán chạy nhất toàn thị trường Việt Nam, nhiều mẫu mã xe Hàn như Hyundai Accent, Kia K3, Hyundai Creta, Kia Seltos, Kia Sonet… giờ lại đang sắm vai của những kẻ bám đuổi.
Ở phân khúc sedan hạng B - một trong những dòng xe sedan hút khách nhất thị trường Việt Nam, Hyundai Accent dù đã được hãng xe Hàn Quốc tiến hành cuộc cách mạng toàn diện về thiết kế, công nghệ, tính năng cho đến động cơ, hộp số… nhưng doanh số bán vẫn thấp hơn Toyota Vios. Hyundai Accent từng có khởi đầu khá thành công trong giai đoạn đầu năm 2024 khi liên tục dẫn đầu phân khúc về doanh số bán, tuy nhiên kể từ khi Toyota, Honda tất tay áp dụng ưu đãi, giảm giá cho Vios, City… vị thế của Hyundai Accent đã suy giảm đáng kể.
Bất chấp được đổi mới toàn diện, Hyundai Accent vẫn không thể cải thiện được doanh số. Sau 3 quý đầu năm 2024, mẫu xe Hàn Quốc chỉ bán được 8.200 xe, xếp sau Toyota Vios (đạt 8.812 xe). Cục diện tương tự cũng đang diễn ra ở phân khúc sedan hạng C - nơi trước đây Kia K3 luôn là mẫu xe dẫn đầu về doanh số bán hàng nhưng hiện tại, K3 đang ở thế bám đuổi, thậm chí còn để Mazda3 bỏ xa trong cuộc đua doanh số.
Kia chỉ bán được 2.592 chiếc K3 sau khi khép lại 9 tháng đầu năm 2024, trong khi đó doanh số Mazda3 đạt gần 3.400 xe. Ở phân khúc này, Hyundai Elantra cũng được đánh giá cao về mặt thiết kế, trang bị… tuy nhiên kết quả kinh doanh của Elantra thậm chí còn thấp hơn cả Kia K3.
Ở phân khúc ô tô gầm cao, từng có thời điểm bộ đôi Kia Seltos cùng Hyundai Creta thay nhau nắm giữ vị trí dẫn đầu trong cuộc đua doanh số phân khúc SUV hạng B dành cho đô thị. Tuy nhiên, kể từ khi Toyota tung ra thị trường mẫu Yaris Cross, Mitsubishi tiếp tục khuấy động thị trường và đang gặt hái thành công với mẫu Mitsubishi Xforce, các mẫu xe Hàn gần như lép vế.
Hyundai Venue từng được xem là làn gió mới, thách thức các đối thủ đến từ Nhật Bản ở phân khúc SUV cỡ nhỏ hạng A. Tuy nhiên, doanh số bán Hyundai Venue tính đến thời điểm này vẫn đang xếp sau Toyota Raize. Tương tự, ở phân khúc Crossover 5 chỗ, Hyundai Tucson hay Kia Sportage… từng có những thay đổi đột phá về thiết kế, công nghệ trong khoảng 3 năm gần đây tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, xét về mặt doanh số, cả hai đang bị bỏ lại với khoảng cách khá xa so với Mazda CX-5.
Vị thế xe Hàn dường như chỉ còn được đảm bảo ở phân khúc ô tô cỡ nhỏ hạng A - nơi chỉ còn lại 3 mẫu xe máy xăng góp mặt gồm Hyundai Grand i10, Kia Morning và Toyota Wigo. Trong đó, Hyundai Grand i10 đang tạm xếp vị trí dẫn đầu nhưng doanh số vẫn sụt giảm so với những năm trước. Kia Morning lại mang đến sự thất vọng khi vẫn đang để Toyota Wigo vượt mặt trong cuộc đua doanh số.
Thực tế diễn ra ở mỗi phân khúc ô tô tại Việt Nam đã ảnh hưởng đến vị thế ô tô Hàn Quốc trong cuộc đua doanh số toàn thị trường. Như Thanh Niên đã phản ánh trong những bài viết trước đây, sau 9 tháng đầu năm 2024, chỉ có Hyundai Accent là đại diện duy nhất của xe Hàn còn góp mặt trong top 10 ô tô bán chạy nhất Việt Nam. Tuy nhiên, Hyundai Accent gần như không còn cơ hội cạnh tranh ngôi vương khi đang để các mẫu xe ở top đầu bỏ xa về mặt doanh số.
Nếu như trong 9 tháng đầu năm 2023, doanh số Hyundai, Kia chiếm tới 27,5% tổng lượng ô tô mới bán ra tại Việt Nam, thì sau 9 tháng đầu năm 2024 thị phần ô tô Hàn Quốc đã giảm còn 24%. Nếu không tiếp tục đầu tư cải tiến về mặt sản phẩm, chất lượng giá thành về dịch vụ hậu mãi… vị thế ô tô Hàn Quốc tại Việt Nam có thể sẽ tiếp tục suy yếu trong thời gian tới.