Các hãng ô tô Trung Quốc đang chạy đua mở rộng hệ thống bán hàng trên khắp Việt Nam. Nếu “cuộc chiến” giảm giá diễn ra thì đại lý ô tô Trung Quốc sẽ đối mặt với rủi ro lớn.
Việt Nam được xem là thị trường ô tô tiềm năng. Hiện tỷ lệ sở hữu ô tô bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp, so với các nước trong khu vực. Với dân số trên 100 triệu người và GDP đang tăng trưởng nhanh, tạo ra cơ hội lớn cho thị trường ô tô phát triển. Trong khi sản xuất ô tô tại Trung Quốc đang dư thừa lớn, vì vậy các hãng xe Trung Quốc không bỏ qua thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, làm đại lý bán ô tô Trung Quốc cần cân nhắc cẩn thận. Tại Thái Lan nhiều đại lý ô tô Trung Quốc đã phải đóng cửa, phá sản. Theo trang WapCar chuyên theo dõi thị trường ô tô Đông Nam Á, khi xe Trung Quốc tràn vào Thái Lan quá nhiều, đã khiến cung vượt cầu. Vì vậy, buộc các hãng phải giảm giá, ảnh hưởng tới doanh thu và lợi nhuận của các đại lý, dẫn đến phá sản, đóng cửa. Các số liệu cho thấy khoảng 100 đại lý ô tô Trung Quốc tại Thái Lan đã ngừng kinh doanh. Nhiều đại lý trong số này chuyển từ bán xe Nhật Bản sang xe Trung Quốc. Thời gian đầu, việc kinh doanh diễn ra tốt đẹp. Các thương hiệu Trung Quốc thường có tiêu chuẩn thấp hơn nhiều so với Nhật Bản. Vì vậy, các đại lý sớm thu được lợi nhuận nhờ chi phí ban đầu thấp.
Nhưng điều mà các đại lý không ngờ tới là “cuộc chiến” giá cả ngày càng trở nên khốc liệt. Khi giá bán lẻ đề xuất của hãng thay đổi, các đại lý mua hàng với giá cao hơn từ trước phải chịu lỗ. Nhà sản xuất thường đề nghị chịu một nửa số tiền lỗ, nhưng một nửa còn lại vẫn là con số không nhỏ. Trong khi đó, xe Trung Quốc vẫn ồ ạt xuất khẩu sang Thái Lan, làm tăng thêm áp lực. Tần suất và cường độ giảm giá dày đặc, càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng.
Tại Trung Quốc, các đại lý ô tô cũng đang rơi vào khủng hoảng. Vừa qua, Hiệp hội Đại lý Ô tô Trung Quốc (CADA) đã gửi báo cáo khẩn cấp tới các cơ quan Chính phủ, kêu gọi chính sách hỗ trợ. Nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng là do cung lớn hơn cầu. Điều này buộc nhiều đại lý phải giảm giá xe để thu hồi vốn. Với giá bán ra bằng hoặc thấp hơn so với giá mua vào, thì bán càng nhiều càng lỗ.
Hầu hết các đại lý đều phải vay vốn từ ngân hàng để mua xe. Sau đó họ dùng tiền bán xe trả nợ. Nếu không thể bán xe hoặc bán lỗ, đại lý sẽ không có đủ tiền trả ngân hàng. Trong năm 2024 tại Trung Quốc có hàng trăm đại lý ô tô lâm vào tình trạng khó khăn, phải đóng cửa. CADA đã gửi báo cáo khẩn cấp lên các cơ quan chức năng, đề nghị có các biện pháp hỗ trợ tài chính.
Tại Việt Nam, một số đại lý bán ô tô Trung Quốc đang gặp khó khăn, do đầu tư ban đầu lớn nhưng doanh số bán quá thấp. Chủ đại lý một hãng xe điện lớn của Trung Quốc tại Hà Nội cho biết, từ khi khai trương đến nay đã hơn 4 tháng, mỗi tháng chỉ bán được từ 1-3 xe, tồn kho nhiều. Trong khi đó, vốn đầu tư lên tới hàng chục tỷ đồng, hàng tháng chi phí hoạt động cũng hàng tỷ đồng, với doanh số bán èo uột không đủ bù đắp. Kéo dài có nguy cơ phá sản. Một số đại lý đã phải viết tâm thư gửi chính hãng cầu cứu.
Ô tô Trung Quốc đang tràn vào Việt Nam ngày càng nhiều. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, 11 tháng năm 2024, có 28.379 ô tô nguyên chiếc từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam, tăng vọt so với con số 11.002 xe của cả năm 2023. Số lượng xe nhập tăng nhanh, trong khi doanh số bán thấp, tồn kho cao, sẽ gây áp lực phải giảm giá. Nếu “cuộc chiến” giảm giá diễn ra thì các đại lý ô tô Trung Quốc đứng trước rủi ro lớn.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...