Quảng Ninh đang tăng tốc chuyển đổi số toàn diện

10:13 - 05/04/2024

Sau 2 năm triển khai Nghị quyết về chuyển đổi số toàn diện, tỉnh Quảng Ninh đã đạt khoảng 40% yêu cầu trên cả 3 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số. Quảng Ninh đang tăng tốc trên nhiều lĩnh vực để có thể trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh vào năm tới.

Quảng Ninh hiện là địa phương có tỷ lệ thanh toán trực tuyến qua cổng dịch vụ công quốc gia thuộc TOP đầu cả nước, số dịch vụ công được cung cấp trực tuyến đạt 98,5%; Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và 13 trung tâm cấp huyện đều đã thực hiện thu phí, lệ phí hoàn toàn toàn không dùng tiền mặt.

Chị Đặng Thị Thoa, công ty dịch thuật tại Thị xã Đông Triều cho biết: “Tôi có thể ở nhà để thực hiện chứng thực qua dịch vụ công, đăng tải trực tuyến và thanh toán trực tuyến. Việc thanh toán này rất thuận lợi, giúp giảm thời gian, công sức đi lại".

Ngoài cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tại Quảng Ninh, tiến độ triển khai thực hiện số hoá và tái sử dụng kết quả số hoá; lượng công việc xử lý trên hệ thống chính quyền điện tử từ cấp tỉnh đến cấp xã; việc triển khai học bạ điện tử; ứng dụng phần mềm quản lý dữ liệu khám chữa bệnh… đều đạt tỷ lệ tối đa. 

Phát triển chính quyền số là một trong những điểm sáng giúp Quảng Ninh vươn lên đứng thứ 3 cả nước trên Bảng xếp hạng Mức độ chuyển đổi số (DTI) năm 2022. Hiện nay, việc xác thực điện tử thông qua dữ cơ sở dữ liệu về dân cư đạt 96% đã giúp người dân có thể sử dụng CCCD thay thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh, cấp đổi GPLX trực tuyến. Tỷ lệ dân số trưởng thành sử dụng thiết bị di động thông minh đạt 88%, hộ gia đình có kết nối cáp quang gần 80%. Tất cả các doanh nghiệp điện, nước, viễn thông tại Quảng Ninh đều triển khai hợp đồng điện tử, 95% hộ kinh doanh sử dụng hoá đơn điện tử…

Đây là những kết quả nổi bật sau 2 năm triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Có 7/20 mục tiêu, tương đương 40% mục tiêu cơ bản đã đạt yêu cầu đề ra; Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số đã và đang có sự hỗ trợ của gần 1.500 tổ công nghệ số cộng đồng tại các khu dân cư, đơn vị; Hệ thống hạ tầng số, dữ liệu và nền tảng số từng bước được đầu tư, nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu tại địa phương…

Tuy vậy, tỉnh Quảng Ninh cũng đánh giá, việc triển khai chuyển đổi số vẫn còn chậm và chưa đạt yêu cầu. Bên cạnh nguyên nhân từ việc thiếu thốn các văn bản pháp luật, hành lang pháp lý trong lĩnh vực này, thì hạ tầng công nghệ cũng đã dần xuống cấp sau nhiều năm, nhất là tại Trung tâm phục vụ Hành chính công các cấp… 

Bà Nguyễn Thị Bùi, Tổng Giám đốc điều hành đối ngoại Tập đoàn Texhong tại Việt Nam - doanh nghiệp FDI đang đầu tư gần 2 tỷ USD tại Quảng Ninh - đánh giá 5/5 sao cho chất lượng phục vụ tận tâm của các cán bộ tại Trung tâm phục vụ Hành chính công, nhưng chỉ cho chất lượng phục vụ hạ tầng cứng 4,5 sao:

“Đôi khi chính doanh nghiệp chúng tôi thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến chưa thành công do bị lỗi hệ thống, phải chờ đợi nửa ngày, 1 ngày, thậm chí 2 ngày. Điều đó chứng tỏ hệ thống hạ tầng thông tin còn hạn chế, cần được nâng cấp và hoàn thiện”.

Kinh tế số cũng đang là trụ cột có mức phát triển “đuối” hơn khi Quảng Ninh mới chỉ đạt 30% mục tiêu đề ra. GS, TS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhận định, đây cũng là lĩnh vực mà nhiều địa phương đang lúng túng. Quảng Ninh cần phải có chiến lược cụ thể để đưa kinh tế số đạt 20% GRDP vào năm 2025:

“Chúng ta trước hết cần thực hiện việc đo lường xem kinh số của Quảng Ninh như thế nào, tiếp đến là xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế số của Quảng Ninh ra sao. Phải huy động các nguồn lực, không chỉ của riêng Quảng Ninh mà cả ngoài tỉnh, từ đó đưa ra lộ trình về thời gian và giải pháp, để tỷ trọng phát triển kinh tế số sẽ cao cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh”.

Đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, UBND tỉnh Quảng Ninh có kế hoạch cụ thể qua từng năm, trong đó năm 2024 và các năm tiếp theo tập trung vào các ngành, lĩnh vực trọng điểm như y tế, giáo dục, du lịch, công thương, giao thông, hải quan, hành chính công… Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy khẳng định, vấn đề quan trọng nhất trong chuyển đổi số là nâng cao vai trò, trách nhiệm, sự quyết tâm, nỗ lực của người đứng đầu các cấp, nâng cao ý thức, nhận thức của CB, CCVC và người dân. Các cấp ngành của Quảng Ninh được yêu cầu nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện kế hoạch chuyển đổi số của từng ngành, rà soát hiện trạng để đầu tư, nâng cấp hạ tầng và trang thiết bị CNTT, qua đó đảm bảo nhiệm vụ chuyển đổi số được thực hiện đồng bộ trong toàn tỉnh, đưa Quảng Ninh thuộc nhóm dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng; trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh vào năm 2025.

 

 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

LỊCH PHÁT SÓNG TRUYỀN HÌNH

Thanh toán hóa đơn SCTV

Cáp nét siêu tốc - Cơn lốc quà tặng từ SCTV

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Liên kết trang

sctvonline Trang tin nhịp sống hôm nay
scj-shopping Truyền hình cáp SCTV

 

Nguồn: Vietcombank

Kết quả xổ số

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...