Trên nhóm V.L.S.G có gần 100.000 thành viên xuất hiện nhiều bài viết với nội dung tìm người "thua banh bóng", "vỡ nợ vì EURO". Theo đó, những người đăng bài cho biết muốn nhiều "việc nhẹ lương cao" đang có sẵn. Yêu cầu tuyển dụng là: Có sự liều lĩnh, biết giữ bí mật.
Chẳng hạn, thành viên H.N thông báo trên nhóm V.L.S.G: "Anh em vỡ nợ banh bóng đâu hết rồi. Khu vực loanh quanh TP.HCM cần 4 người về làm vận chuyển hàng. Hàng này đi biên giới. Sẽ có "tiền tươi thóc thật" ngay trong ngày. Ai thật sự cần thì liên hệ. Yêu cầu dám làm, kín miệng, có sức khỏe tốt".
Trong nhóm T.D.V.L.T có hơn 115.000 thành viên cũng có những bài đăng tương tự. Tức người đăng tìm kiếm nhân sự để "vận chuyển hàng hóa qua biên giới", "việc nhẹ lương cao, chỉ cần chịu khó và có một chút "liều lĩnh" là có thể kiếm vài triệu đồng mỗi ngày"…
Những bài đăng này thu hút nhiều sự tương tác. Dưới bình luận, có không ít người cho biết họ sẵn sàng làm để kiếm tiền vì đã "đổ sông đổ biển" quá nhiều tiền cho những trận cầu ở giải EURO 2024 đang diễn ra.
"Tôi "bể" vì bóng đá. Thua nhiều nên muốn làm kiếm tiền thật nhanh để trả nợ. Làm công việc gì cũng được, miễn có tiền nhiều", thành viên N.M.T nói với phóng viên.
Phóng viên thử liên hệ với Q.L, thành viên trên nhóm V.L.S.G. Q.L cho biết đang tìm khoảng chục người vận chuyển hàng hóa sang biên giới Campuchia. Khi được hỏi là hàng hóa gì, liệu có vi phạm pháp luật hay không? Q.L trả lời: "Đừng có hỏi nhiều. Chỉ là thuốc lá thôi. Nếu muốn làm thì sang bến xe An Sương để gặp trực tiếp rồi trao đổi chi tiết hơn". Về tiền công, theo Q.L, nếu "làm được" thì "xong việc" sẽ được trả từ 1 – 1,5 triệu đồng/ngày.
Dễ bị dẫn dụ, lôi kéo tham gia thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật
Tiến sĩ tội phạm học, thượng tá Đào Trung Hiếu, Bộ Công an, cho biết trong mùa EURO thì hiện tượng cá độ bóng đá diễn biến rất phức tạp. Khi đã trót dính vào cá độ, là trò chơi may rủi, thì việc thua, "sập hầm", vướng nợ nần là việc hiển nhiên. Có nhiều người rơi vào tình trạng "tán gia bại sản" vì tham gia vào những kèo đặt cược, cá độ. Và hiện nay trên mạng xã hội xuất hiện những lời mời gọi tham gia vào những công việc với lời giới thiệu là "việc nhẹ lương cao".
Theo thượng tá Hiếu, những lời mời gọi như vậy không đáng tin cậy, ẩn chứa rất nhiều hệ lụy nguy hiểm. "Như có thể bị lừa đưa ra nước ngoài, bị khống chế tại các địa điểm giáp biên giới Việt Nam và bị nhốt. Sau đó bị yêu cầu hàng ngày phải thực hiện những công việc lừa đảo trên mạng để giăng bẫy người dân. Nếu không thực hiện đúng và đủ các chỉ tiêu được khoán thì người lao động sẽ bị đánh đập, bỏ đói. Trường hợp muốn nghỉ việc, muốn về thì bắt buộc phải có tiền chuộc… Ngoài ra, nếu tin vào những lời mời gọi "việc nhẹ lương cao" ấy còn ẩn chứa nhiều nguy cơ khác. Những người mà khi túng quẫn, có nhu cầu về tài chính thì rất dễ bị các đối tượng xấu dẫn dụ, lôi kéo để tham gia thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật", tiến sĩ tội phạm học này phân tích.
Chính vì thế, thượng tá Hiếu khuyên: "Tuyệt đối không nên tin vào những lời mời gọi cơ hội "việc nhẹ lương cao" như vậy. Nếu thật sự muốn có nhu cầu tìm việc thì nên tìm đến những trung tâm giới thiệu việc làm uy tín, hoặc thông qua các mối quan hệ quen biết. Trước khi nhận lời làm việc thì phải có sự kiểm tra kỹ lưỡng: nơi chuẩn bị đến làm việc là ở đâu, công việc cụ thể là gì, mức lương thu nhập ra sao… Sự cảnh giác ấy giúp tránh được những rủi ro, nguy cơ xấu có thể xảy ra".
"Nhiều người nhắm mắt đưa chân, chỉ nghĩ đến cơ hội mà không nghĩ đến rủi ro. Sau đó bị dụ dỗ đưa vào các đường dây mua bán người. Câu chuyện mời gọi việc làm trên mạng để giăng ra những cái bẫy "việc nhẹ lương cao" nhằm lợi dụng mua bán người đang diễn ra rất phổ biến hiện nay. Do đó, người lao động, những ai đang trong hoàn cảnh khó khăn cần việc làm phải hết sức cảnh giác", thượng tá Hiếu nói thêm.