Khi thấy đồng nghiệp rủ nhau cập nhật xác thực sinh trắc học trên ứng dụng dịch vụ ngân hàng số, anh Đào Tiến Hưng (32 tuổi), làm việc tại Công ty TNHH Xây dựng nhà đẹp, TP.Thủ Đức (TP.HCM), cũng nhanh chóng làm theo.
Tuy nhiên, sau vài bước thực hiện, anh Hưng đã dừng lại việc bổ sung phương thức xác thực bằng khuôn mặt. Lý do vì "mạng treo", anh gặp khó khăn trong trong quá trình xác thực. "Nhưng lý do chính là tôi đã nghĩ lại vì chưa từng một lần thực hiện việc chuyển tiền cho người khác với các giao dịch trên 10 triệu đồng/lần hoặc dưới 10 triệu đồng/lần nhưng tổng số tiền các giao dịch trong ngày từ 20 triệu đồng trở lên. Nên không quá nhất thiết phải xác thực sinh trắc học", anh Hưng nói.
Nguyễn Thị Tường Vân, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng kể: "Ngày 1.7, mình và nhiều bạn bè ở chung trong ký túc xá đã xác thực sinh trắc học. Nhưng rồi tất cả mọi người đều cười với nhau khi nhận ra là chưa bao giờ có 10 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng. Mỗi tháng bố mẹ gửi chỉ khoảng 4,5 triệu đồng để có chi phí sinh hoạt. Cũng chưa bao giờ chuyển khoản cho ai, thì đâu có cần cập nhật sinh trắc học trên ứng dụng dịch vụ ngân hàng số".
Trên mạng xã hội, câu chuyện về xác thực sinh trắc học cũng trở thành đề tài để người trẻ tạo "trend" hài hước. Không ít bài viết, video có những nội dung như: "Quý khách nên biết tự trọng, tài khoản thì 0 đồng mà đua đòi đăng ký sinh trắc học", "Xác thực sinh trắc học làm gì khi tài khoản luôn trong trạng thái không có tiền?"… Và dân mạng bấm like "rần rần", thi nhau chia sẻ những video, bài viết này bởi thấy bóng dáng của chính mình trong đó.
Lê Thùy Kim (27 tuổi), làm việc tại Công ty CP thép Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi), nói: "Tối qua, khi quét chip của thẻ căn cước công dân bị báo lỗi thì tôi cũng chẳng muốn cập nhật xác thực sinh trắc học nữa. Vì nhìn lại lịch sử giao dịch từ khi mở thẻ tới nay, lệnh chuyển tiền nhiều nhất chỉ 851.000 đồng. Chưa bao giờ chuyển 2, 3 triệu đồng chứ huống hồ gì chuyển 10 triệu đồng".
Những cái lần đầu tiên…
Nguyễn Phạm Anh Thy, tân cử nhân Trường ĐH Tôn Đức Thắng, TP.HCM, cho hay: "Nhiều người bạn của tôi kể, vì phải xác thực sinh trắc học, nên đã có lần đầu tiên… thấy mặt mộc trong điện thoại. Bởi từ trước đến nay, mỗi khi chụp ảnh đều "cậy nhờ" ứng dụng chỉnh sửa. Bản thân tôi cũng vậy".
Chị Đỗ Thị Quỳnh Dung (33 tuổi), ngụ ở chung cư Ehome 3, Q.Bình Tân, TP.HCM, thì nói hôm qua 1.7 là lần đầu tiên trong cuộc đời đã nhẫn nại "ôm" điện thoại suốt hơn 4 tiếng đồng hồ. Từ khi điện thoại có 100% pin cho đến khi sập nguồn.
"Tôi xác thực sinh trắc học từ 8 giờ sáng cho đến hơn 12 giờ trưa. Liên tục bị lỗi. Lúc thì nhận thông báo điện thoại không hỗ trợ NFC (công nghệ không dây cho phép giao tiếp và truyền dữ liệu giữa các thiết bị ở khoảng cách gần - PV). Lúc thì không thể nhận dạng khuôn mặt. Cũng có lúc báo thông tin cá nhân không trùng khớp… Một buổi trôi qua nhưng vẫn không thể cập nhật sinh trắc học", chị Dung kể.
Có nhiều người như chị Dung, gặp khó khăn trong quá trình cập nhật sinh trắc học. Đồng thời ví von "thời gian bổ sung phương thức xác thực bằng khuôn mặt là cách để rèn luyện khả năng kiềm chế, kiên trì".
Còn trên mạng xã hội Facebook, thành viên An Bằng ta thán bằng câu hỏi: "Có ai thực hiện xác thực sinh trắc học mà… sinh bệnh như mình không? Đau đầu luôn, vì làm 5 lần 7 lượt vẫn không thành công. Ra trực tiếp ngân hàng, nhân viên cũng… bó tay vì hệ thống quá tải".
Có người thì bình luận: "Từ trước giờ mình chưa bao giờ cáu gắt khó chịu với bất kỳ điều gì, cho đến khi… xác thực sinh trắc học. Cập nhật sinh trắc học làm mình cộc luôn. Bực không thể tả".
Còn bạn, có gặp khó khăn hay vấn đề gì trong quá trình xác thực sinh trắc học? Có thể chia sẻ với chúng tôi bằng cách để lại bình luận dưới bài viết.