Khi ông Anh Chương mất thì từ 2014 đến nay, phần tác quyền này được Trung tâm băng nhạc Làng Văn đại diện cả trong và ngoài nước. Mới nhất, bà Trần Thiện Thanh Trúc – con gái lớn, đại diện cho 4 anh em còn lại (gồm Trần Thiện Thanh Trân, Anh Châu và Anh Chính) cho biết gia đình vừa ký hợp đồng ủy quyền quản lý tác quyền của bố mình cho Làng Văn với thời hạn là vĩnh viễn (được hiểu là hợp đồng có giá trị 50-70 năm từ ngày tác giả mất, theo công ước Bern - PV).
Phía còn lại là bà Lưu Mỹ Lan (tức ca sĩ Mỹ Lan), người mà các con hợp pháp của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh cho rằng "tự nhận là vợ của bố tôi". Bà Mỹ Lan từng tuyên bố có chung với nhạc sĩ Trần Thiện Thanh một người con tên Trần Thiện Anh Chí.
Cũng từ đó đến nay, hai bên tranh chấp với nhau về quyền tài sản dựa trên luật thừa kế hàng đầu tiên. Phía bà Mỹ Lan cho rằng mình được hưởng quyền tài sản dựa trên con trai là ông Anh Chí. Phía còn lại thông báo rằng sẽ đồng ý để cho ông Anh Chí là người thừa kế thứ 6, có quyền ngang với 5 người còn lại nếu như bà Mỹ Lan trình ra được kết quả giám định ADN theo luật pháp Mỹ.
Sáng 22.8, qua cuộc gặp gỡ trực tuyến với báo giới tại TP.HCM, bà Thanh Trúc, hiện sinh sống ở Mỹ, cho biết: "Cô Mỹ Lan đã cung cấp cho chúng tôi 2 giấy tờ chứng minh. Một là bản tuyên bố Trần Thiện Anh Chí là con trai ruột của ba tôi, do chính ba tôi ký tên. Chúng tôi đã bác bỏ văn bản này vì chữ ký trên đó là giả mạo, không phải của ba chúng tôi. Sau khi chúng tôi đòi giấy xét nghiệm ADN thì cô Mỹ Lan không chịu xét nghiệm tại Mỹ mà đưa Anh Chí về Việt Nam để thực hiện xét nghiệm, mẫu với bà nội của chúng tôi, tức mẹ ruột của ba chúng tôi. Giấy xét nghiệm này có kết quả là cùng huyết thống với bà nội, tuy nhiên không chính xác vì để xét nghiệm huyết thống, phải lấy mẫu của một người nam nhỏ nhất trong gia đình. Em út (cùng cha khác mẹ) của chúng tôi là Trần Thiện Anh Chính đã đồng ý cùng lấy mẫu xét nghiệm với Anh Chí tại Mỹ nhưng bà Mỹ Lan đã nhiều lần thoái thác. Vì vậy, giấy xét nghiệm của bà Mỹ Lan không có giá trị tại Mỹ".
Trong cuộc họp báo này, tôi - Trần Thiện Thanh Trúc đại diện cho các anh chị em tôi là Trần Thiện Anh Chương, Trần Thiện Thanh Trân, Trần Thiện Anh Châu, Trần Thiện Anh Chính thông báo đến tất cả mọi người, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ tại Việt Nam và tại hải ngoại, chúng tôi đã quyết định sang nhượng toàn bộ các tác phẩm của ba tôi cho Công ty Làng Văn để gìn giữ và phát huy. Mọi liên hệ về tác phẩm của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh vui lòng liên hệ trực tiếp với Công ty Làng Văn.
Cũng vì lùm xùm trên, thị trường âm nhạc trong nước và cả hải ngoại bao phen khó xử do liên quan quyền tác giả của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh: đóng tác quyền cho một bên thì bên còn lại khiếu nại và ngược lại.
Hiện tại, Làng Văn đại diện cho 5 anh em bà Thanh Trúc quản lý tác quyền. Trong khi đó, bà Mỹ Lan tự thu tác quyền ở hải ngoại; bà cũng tự tổ chức những đêm nhạc tưởng niệm nhạc sĩ Trần Thiện Thanh nhân ngày giỗ hằng năm hoặc cho phép các ca sĩ, nhà tổ chức biểu diễn chương trình hát nhạc của ông mà không thông qua phía kia.
Có đơn vị khác khai thác tác quyền tại Việt Nam?
Liên quan vấn đề tác quyền, chiều 22.8, phóng viên Thanh Niên đã tìm hiểu và được biết, tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Dịch vụ bản quyền Việt Nam (VIPS) đang giữ tác quyền của Trần Thiện Thanh và cấp phép phát hành với mức phí hơn 2 triệu đồng/bài cho một lần sao chép trong 2 năm. Theo một nguồn tin của chúng tôi, Công ty VIPS ký hợp đồng đại diện tác quyền Trần Thiện Thanh với phía bà Mỹ Lan.
Khi liên hệ với bà Bích Lan (đang ở Mỹ), đại diện Làng Văn, bà cho biết: "Làng Văn không ủy quyền thứ cấp cho bất kỳ đơn vị nào ở Việt Nam kể cả Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam - VCPMC. Chúng tôi thực sự thất thoát rất nhiều về tiền tác quyền của Trần Thiện Thanh vì không thể kiểm soát được tất cả các định dạng vật lý, bởi hiện tại chúng tôi không có người ở trong nước. Vậy nên các đơn vị nào đại diện thu tác quyền ngoài chúng tôi đều vi phạm luật bản quyền và chúng tôi sẽ kiện. Ngoài ra, khi đưa lên môi trường nhạc số như YouTube thì chắc chắn chúng tôi sẽ cắm cờ và xóa video. Ở hải ngoại, một trung tâm băng nhạc lớn nhất từng bị chúng tôi kiện và phải bồi thường tiền tác quyền Trần Thiện Thanh vì trung tâm đó không nắm rõ mà nộp tác quyền cho ca sĩ Mỹ Lan".
Hiện tại, bà Thanh Trúc (đại diện 5 người con hợp pháp của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh và Trung tâm Làng Văn) cho biết đã tiến hành thủ tục kiện bà Mỹ Lan vì vi phạm luật bản quyền. Theo bà Thanh Trúc, tòa án ở California, Mỹ đã triệu tập bà Mỹ Lan vài lần nhưng bà không có mặt. Lần gần nhất là ngày 2.8.2024, bà Mỹ Lan tiếp tục vắng mặt không lý do. Dự kiến phiên tòa kế tiếp sẽ diễn ra vào tháng 1.2025.
Thời gian qua, ở cả hải ngoại và trong nước, các đài truyền hình và nhà tổ chức biểu diễn, nghệ sĩ… cũng rất ngại "đụng" đến nhạc Trần Thiện Thanh bởi họ không biết phải xin phép ở đâu trước thông tin khá nhiễu loạn. Điều này dẫn đến việc hạn chế ít nhiều sự phổ biến tác phẩm của một người nhạc sĩ tài hoa, có gần 300 ca khúc và đứng hàng đầu trong dòng nhạc bolero như Trần Thiện Thanh.