Chiếu cói Phú Tân nổi tiếng bao đời nay với độ tinh xảo, dẻo dai nhờ vào đôi bàn tay khéo léo của những người thợ dệt. Để dệt ra một đôi chiếu cói Phú Tân phải trải qua 5 công đoạn: cắt cói, chẻ cói, phơi cói, nhuộm cói và dệt chiếu.
Người dân thôn Phú Tân thu hoạch cói đầu vụ
Theo người dân thôn Phú Tân, cắt cói là công đoạn nặng nhọc nhất vì cói được trồng ở vùng nước mặn, sình, bùn. Cói tươi vốn đã nặng, dầm dưới nước càng nặng thêm, kéo cói lên bè để đẩy vào bờ rất là mất sức. Mỗi năm cói cho thu hoạch được 2 vụ vào tháng 5 và tháng 7 âm lịch
“Vào vụ thu hoạch cói cũng là thời điểm Phú Yên nắng nóng nhất nên chúng tôi thường đi cắt cói vào lúc tờ mờ sáng để đỡ nắng, đến sáng thì chẻ cói rồi phơi cho kịp nắng”, bà Huỳnh Thị Hương (54 tuổi, ở thôn Phú Tân) chia sẻ
Sau khi cói phơi khô sẽ được nhuộm các màu sắc khác nhau
Cói sau khi nhuộm sẽ đem phơi nắng 1 ngày cho bền màu rồi đem cất cói để dệt chiếu dần
Theo cách dệt truyền thống, sau khi mắc khung cửi bằng cọng trân (hay gọi là cọng chỉ), 1 người ngồi ở đầu khung cửi để dệt, 1 người ngồi ở bên phải đầu khung cửi để luồn cói vào khung dệt
Mất khoảng 2 giờ để dệt 1 đôi chiếu. Sự kết hợp nhuần nhuyễn của người thợ dệt cho ra những sản phẩm kỳ công và đẹp mắt
Bà Phùng Thị Sâm (63 tuổi, ở thôn Phú Tân) có gần 50 năm gắn bó với nghề dệt chiếu cho biết: "Mỗi ngày tôi dệt được 3 đôi chiếu, 5 giờ sáng tôi đi dệt đến 13 giờ thì về. Thu nhập cũng thấp lắm, 3 đôi chiếu thì được trả 45.000 đồng tiền công dệt. Người ở vùng này chuyển sang dệt máy hết rồi, đời sau cũng ít người theo nghề vì làm chiếu vừa cực lại vừa ít tiền"
Một chiếc chiếu khổ 1,6 m, giá bán ra thị trường tầm 50.000 đồng. Chiếu dệt có 5 khổ gồm: 1,6 m; 1,4 m; 1,2 m; 1 m và 80 cm, giá bán chênh nhau 10.000 đồng. Giá bán thấp nên nhiều người dần bỏ nghề, đa số người dệt chiếu cói ở thôn Phú Tân đã ở tuổi trung niên, gắn bó với nghề hàng chục năm qua
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Chủ tịch UBND xã An Cư, cho biết: "Hiện có trên 100 hộ vẫn đang tiếp nối nghề truyền thống dệt chiếu cói Phú Tân. Để cải thiện thu nhập cho bà con làng nghề, địa phương đang có kế hoạch chuyển đổi 50 ha đất trồng cói, tìm giống cói tốt hơn để cải thiện năng suất. Bên cạnh đó, địa phương đang cố gắng quảng bá du lịch đối với làng nghề chiếu cói Phú Tân để vừa gìn giữ nét đẹp làng nghề truyền thống, vừa cải thiện đời sống cho người dân"