Mới đây, hai đơn vị Beta Media của VN và Aeon Entertainment của Nhật Bản đã công bố ra mắt công ty liên doanh tại VN, tập trung vào việc phát triển, vận hành chuỗi rạp chiếu phim cao cấp, đầu tư sản xuất và phát hành các bộ phim VN và phim quốc tế tại thị trường VN.
Với kinh phí khoảng 5.000 tỉ đồng, liên doanh này sẽ đầu tư xây dựng 50 cụm rạp chiếu phim có tên Aeon Beta Cinema từ nay đến năm 2035. Hệ thống cụm rạp này sẽ có mặt trên khắp các tỉnh thành của VN, mỗi cụm rạp bao gồm nhiều phòng chiếu hiện đại sẽ có kinh phí khoảng 100 tỉ đồng. Dự kiến rạp chiếu phim Aeon Beta Cinema đầu tiên khai trương vào năm 2025.
Việc doanh thu phòng vé phim Việt tăng trưởng cao trong 2 - 3 năm gần đây (với top 3 doanh thu phim Việt hiện tại là Mai - 551 tỉ đồng, Lật mặt 7: Một điều ước - 482 tỉ đồng, Nhà bà Nữ - 475 tỉ đồng) đã giúp thị trường điện ảnh nước ta được một số đơn vị truyền thông quốc tế đánh giá là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất châu Á. Điều này cũng là cơ sở để nhiều đơn vị kinh doanh trong nước và nước ngoài mạnh dạn bỏ vốn đầu tư khi tin tưởng thị trường sẽ còn rộng mở hơn.
Có thể thấy, số lượng rạp chiếu phim ở VN đang tăng lên nhanh chóng theo sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh VN. Hiện tại, theo thống kê, VN có hơn 200 cụm rạp (trung bình 1 cụm rạp có khoảng 5 - 6 rạp nhỏ, tính ra chưa tới 1.200 phòng chiếu) đang hoạt động trên cả nước.
Với thị trường VN, CGV hiện là cụm rạp thống lĩnh thị trường với 45% thị phần, có 84 cụm rạp trên toàn quốc. Tiếp đến là Lotte Cinema chiếm 26% thị phần với 50 cụm rạp trên cả nước; Galaxy chiếm 10%; Beta Cinema 8% thị phần; CineStar BHD chiếm 5,5%; CineStar có 8 cụm rạp; Mega GS có 2 cụm rạp… Còn lại, hệ thống rạp chiếu của Nhà nước chiếm khoảng 2% thị phần.
Các chuyên gia trong giới điện ảnh cho rằng sự gia tăng số lượng rạp chiếu phim trong thời gian tới sẽ đáp ứng được nhu cầu xem phim còn rất lớn của người dân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà làm phim sản xuất thêm nhiều phim và "đầu ra" của phim cũng có nhiều cơ hội tiếp cận rộng rãi với khán giả hơn.
Nhà sản xuất Tùng Nguyễn chia sẻ: "Với dân số trên 100 triệu dân, hiện phòng vé Việt đạt 500 tỉ đồng doanh thu là chỉ bán được khoảng 6 - 7 triệu vé. Nếu có phim thật sự hay thì khán giả sẽ đến rạp xem đông hơn, và để có doanh thu 1.000 tỉ đồng với 10% dân số Việt ra rạp xem phim là điều khả dĩ, khi số lượng rạp chiếu ngày càng nhiều hơn sẽ có nhiều suất chiếu hơn".
Thêm nhiều hình thức giải trí ở rạp
Cũng trong tuần qua, CJ CGV VN với tiêu chí "rạp phim không chỉ để chiếu phim" đã ra mắt thương hiệu ICECON VN để tối ưu hóa doanh thu bằng cách mở rộng không gian giải trí, không chỉ gói gọn vào phim điện ảnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khán giả. Theo đó, ICECON cung cấp nội dung chiếu rạp đa dạng thể loại, đem lại những trải nghiệm giải trí mới lạ thông qua 4 danh mục kinh doanh mới: Stage (trình diễn), Play (trực tuyến), Channel (chuyển hóa) và Library (bách khoa).
Cụ thể, "Stage" mang đến những concert, liveshow ca nhạc qua màn ảnh hoặc trực tiếp từ các ngôi sao hàng đầu thế giới cũng như các nghệ sĩ VN, hoặc các loại hình sân khấu khác như hài kịch, nhạc kịch… trình diễn phục vụ khán giả ở rạp. "Play" biến rạp chiếu phim thành sân vận động để khán giả cùng sở thích đặt vé xem chung các trận đấu thể thao và giải đấu e-sports. "Channel" là hình thức chuyển thể các nội dung từ các nền tảng khác thành phiên bản chiếu rạp, chiếu ra mắt những bộ phim phát trên nền tảng trực tuyến, cùng các buổi giao lưu sau đó với đoàn phim. "Library" sẽ hướng khán giả đến những trải nghiệm tri thức, nghệ thuật thông qua những buổi triển lãm, tìm hiểu những kiến thức đa dạng với những buổi workshop, hay giáo dục trẻ em qua chương trình hướng nghiệp…
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc nội dung của CJ CGV VN, nói: "Việc mở rộng các nội dung chiếu rạp, ngoài việc chiếu phim như lâu nay, đã được thực hiện nhiều ở Mỹ, Hàn Quốc. Giờ đây, khán giả ra rạp không đơn thuần là xem phim mà còn với tinh thần xem chung một nội dung nào đó để cùng nhau tương tác, cổ vũ".
Sắp tới, ngoài việc mua bản quyền phát hành nhiều hơn những liveshow, concert đặc sắc của các ngôi sao thế giới như Taylor Swift, nhóm BTS, nhóm Blackpink…, ông Ko Jae-soo - Tổng giám đốc CJ CGV VN, cho biết sẽ tư vấn, hỗ trợ, phối hợp sản xuất nội dung Việt vì đang thiếu phim concert Việt. ICECON VN sẽ liên kết, phối hợp sản xuất với các công ty giải trí, các nghệ sĩ VN để chủ động quay các buổi concert ở định dạng chiếu rạp chứ không chờ vào bản phim concert của phía nghệ sĩ.
Cụm rạp mới Aeon Beta Cinema nhấn mạnh sẽ mở rộng xu hướng trải nghiệm giải trí đa dạng cho người xem tại rạp, đầu tư về mặt nội dung công chiếu, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp điện ảnh và giải trí VN. Ngoài chiếu phim, đơn vị mới này cũng có những dịch vụ khác tại rạp như phát trực tiếp các giải bóng đá hay những sự kiện lớn.
Theo các doanh nghiệp ngành phim, số lượng rạp hiện tại ở VN vẫn chưa phải là quá nhiều, thị trường còn rất tiềm năng. Họ mong muốn sẽ được tháo gỡ những rào cản chính sách về chế độ ưu đãi, thủ tục trong việc tạo mới những cơ sở văn hóa - giải trí công cộng hữu ích.