Các hộ làm gốm làng Vĩnh An còn bảo lưu kỹ thuật làm gốm truyền thống văn hóa Sa Huỳnh ở các khâu: làm đất, tạo khí hình với kỹ thuật nặn tay kết hợp bàn xoay chậm, sản phẩm đồ gốm được nung bằng lò thủ công mà nguyên liệu là thảo mộc.
Bà Đặng Thị Mỹ (ở thôn Vĩnh An, xã Phổ Khánh) cho biết bản thân có hơn 40 năm gắn bó với nghề làm gốm thủ công. Theo bà Mỹ, gốm Phổ Khánh hoàn toàn là gốm mộc, không sử dụng loại nước men nào. "Để làm ra sản phẩm gốm mô phỏng gốm cổ Sa Huỳnh, người thợ trải qua nhiều công đoạn như khâu chọn đất sét, dùng tay nhào thật kỹ rồi đắp thành từng ụ đất lớn, tạo nên độ mịn, dẻo", bà Mỹ nói.
Ngoài chum gốm dùng trong nghi lễ mai táng, gốm Sa Huỳnh còn rất phong phú, đa dạng sản phẩm đồ dùng, vật dụng. Trong các nghiên cứu khảo cổ học từ di vật gốm được tìm thấy, bộ sưu tập 18 bình hoa gốm Long Thạnh (TX.Đức Phổ) đã được công nhận báu vật quốc gia.
Theo bà Nguyễn Thị Diễm Kiều, Giám đốc Hợp tác xã gốm tiền sử Sa Huỳnh: "Đến với vùng đất Sa Huỳnh, mọi người sẽ được thăm làng gốm truyền thống tại thôn Vĩnh An và tận tay trải nghiệm các công đoạn làm gốm xưa và nay. Trải nghiệm gốm Sa Huỳnh, du khách được chạm tay vào linh hồn của văn hóa tiền sử, gốm sẽ cho du khách nhiều cảm xúc về bức tranh đời sống vật chất - tinh thần của người cổ Sa Huỳnh".
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Duy Khánh, Chủ tịch UBND xã Phổ Khánh, cho biết địa phương sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển nghề gốm nhằm phục vụ phát triển du lịch cộng đồng.