Núi Quyết nằm sát bên tả ngạn sông Lam, nay thuộc P.Trung Đô, TP.Vinh. Người xưa gọi địa thế của núi Quyết là đất tứ linh vì nó hội đủ long, ly, quy, phượng. Đỉnh cao nhất của núi Quyết cao 101,5 m.
Theo sử sách, thời chiến tranh Trịnh - Nguyễn (1627 - 1672), để chế ngự quân Nguyễn ở Đàng Trong, tướng chỉ huy đất Bắc là Trịnh Toàn cho đồn trú tại vùng núi Quyết một đội quân khá hùng hậu. Tướng Trịnh Toàn cho tu sửa, nâng cao Cửa Quyết và đặt vọng hải đài để làm nơi ngắm cảnh sông núi và quan sát quân địch.
Trong quá trình ra bắc nhiều lần, Nguyễn Huệ đã chú ý đến vùng núi Quyết. Trong thư gửi Nguyễn Thiếp vào năm 1788, ông viết: "Nhớ buổi hồi loạn ly ngày trước, lúc qua Hoành Sơn, quả cung đã mở bản đồ xem thấy ở huyện Chân Lộc, xã Yên Trường hình thế rộng rãi, khí tượng tươi sáng, có thể chọn xây dựng đế đô mới. Thực là chỗ đất đẹp để đóng đô vậy". Sau khi tham vấn La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, Nguyễn Huệ đã chọn vùng đất này để đóng đô, gọi tên thành là Phượng Hoàng Trung Đô và cho tiến hành xây dựng.
Theo các nhà nghiên cứu, trong bối cảnh đất nước còn nhiều thù trong giặc ngoài, việc lấy núi Quyết thay cho Phú Xuân (Huế) là tầm nhìn chiến lược của Quang Trung, vì vị trí này rất thuận lợi để khống chế cả trong nam lẫn ngoài bắc. Về kinh đô mới này, sách Hoàng Lê nhất thống chí viết: "Quang Trung liền sai trưng dụng rất nhiều thợ thuyền, chuyên chở gỗ đá, gạch ngói để xây dựng cung phủ, lâu đài. Đắp thành đất xung quanh và sai các quân lính đào đá ong ở địa phương để xây thành trong. Dựng tòa lầu ba tầng cùng hai dãy hành lang, để phòng dùng đến khi có lễ triều hạ". Tuy nhiên, khi thành Phượng Hoàng Trung Đô đang xây dở thì vua Quang Trung đột ngột lâm bệnh nặng rồi băng hà. Trước khi băng hà, vua đã căn dặn con trai Quang Toản: "Nghệ An là đất của cha mẹ ta, đất ấy là nơi hiểm yếu có thể tin cậy được. Ta đắp thành dày để làm Trung Đô. Nếu có biến cố còn có thể giữ được…". Tuy nhiên, triều đại Tây Sơn chỉ duy trì thêm 10 năm nữa thì sụp đổ. Việc dời kinh đô từ Phú Xuân ra Phượng Hoàng Trung Đô đã bị gác lại và kinh đô dang dở ở khu vực núi Quyết cũng chỉ còn lại là một dấu tích. Về sau, vua Gia Long cho đặt trấn sở Nghệ An tại làng Vĩnh Yên (thành cổ Vinh hiện nay, cách núi Quyết khoảng 6 km). Nhưng núi Quyết vẫn nguyên vẹn tầm thế của nó theo cách nhìn của vua Quang Trung.
Năm 2011, tại cuộc hội thảo khoa học về hoàng đế Quang Trung và Phượng Hoàng Trung Đô, một số nhà nghiên cứu cho rằng khu lăng mộ bí mật của vua Quang Trung chính là ở khu vực thành Phượng Hoàng Trung Đô chứ không phải ở lăng Ba Vành (Huế). Lăng mộ được xây dựng dưới sự giám sát của tướng Trần Quang Diệu và việc ngừng xây thành là cách đánh lạc hướng tai mắt nhà Nguyễn. Để lý giải cho khả năng này, các nhà nghiên cứu cho rằng sau 2 - 3 tháng vua Quang Trung băng hà mới phát tang. Thành Phú Xuân bị phong tỏa, kiểm soát chặt chẽ và đây là thời gian để những người thân tín đưa thi hài của vua ra Nghệ An mai táng như ý nguyện trước đó của vua.
Ông Nguyễn Hữu Bản, nguyên Bí thư Thành ủy TP.Vinh, trưởng nhóm tìm kiếm lăng mộ hoàng đế Quang Trung tại Nghệ An, kể vào năm 2012, tỉnh Nghệ An đã mời các chuyên gia từ Đại học Quốc gia Hà Nội mang máy dò địa vật lý từng tham gia khai quật tại Hoàng thành Thăng Long vào khu vực từng xây thành Phượng Hoàng Trung Đô để khảo sát. Khi đưa máy dò đến khu vực nghi có mộ vua Quang Trung thì máy bị tê liệt. Sau khi nhờ một người gốc họ Hồ thắp hương khấn, máy mới hoạt động trở lại. Qua thăm dò ở khu vực sau bia dẫn tích, máy phát hiện một vật khác thường nằm ở độ sâu từ 6 - 6,5 m. Tuy nhiên đến nay, mộ vua Quang Trung ở đây vẫn chỉ là nghi vấn.
Hòn ngọc xanh
Ở thời điểm cận đại, khu vực núi Quyết trở thành một trung tâm công nghiệp, thương mại. Nhiều cơ sở công nghiệp, trong đó có nhà máy điện, đóng tàu, dệt may, nhà máy diêm được xây dựng gần núi Quyết. Trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, dãy núi này là chứng tích chứng kiến nhiều cuộc tàn phá của bom đạn và sự kiên cường kháng chiến của quân dân ta.
Nhìn từ xa, núi Quyết giống như con rùa đang hướng về phía sông Lam, đầu rùa nằm gần sát bờ sông. Năm 2004, khi xây dựng tuyến QL1A tránh TP.Vinh đi ngang qua chân núi Quyết, đơn vị thi công phải bạt núi mở đường và theo thiết kế con đường đi qua cái "cổ rùa" nên phải mạo phạm vào đó. Sau đó, đơn vị nhà thầu đã phải cho dựng một cây cầu vồng bằng thép ở vị trí này để "nối cổ" cho rùa.
Hiện nay, núi Quyết là một thắng cảnh, được ví như "hòn ngọc xanh" của TP.Vinh. Năm 2015, đền thờ vua Quang Trung được xây dựng trên núi Quyết với các tòa: thượng điện, trung điện, hạ điện, nhà hữu vu, tả vu... Các tòa nhà được làm bằng gỗ lim, chạm khắc họa tiết theo phong cách thời Nguyễn. Ở giữa là khoảng sân rộng 1.500 m2 trưng nhiều cây cảnh, tạo nên một không gian đẹp, thanh bình. Tại đây còn có khu trưng bày những hiện vật thời Tây Sơn bao gồm nhiều sản phẩm bằng đồ gốm, sứ, đồng, sắt, trong đó có những thanh kiếm trận thời Tây Sơn. Những hiện vật này hầu hết được những người đam mê và sưu tầm đồ cổ cung tiến.
Đền thờ hoàng đế Quang Trung và núi Quyết hiện trở thành điểm đến của nhiều du khách. Ngọn núi này không chỉ lưu giữ những dấu tích lịch sử mà lên núi còn để ngắm vẻ đẹp của một vùng núi Hồng, sông Lam - biểu tượng của vùng đất Nghệ Tĩnh xưa nay.