Cụ thể, vào năm 2016, Sở VH-TT-DL đã chỉ đạo Ban Quản lý Di tích - Danh thắng tỉnh Đồng Nai (hiện sáp nhập vào Bảo tàng Đồng Nai-PV) nghiên cứu, đánh giá sơ bộ và đề nghị bổ sung vào danh mục đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh vì đây là ngôi nhà cổ có giá trị về mặt kiến trúc - nghệ thuật.
Tháng 3.2016, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định phê duyệt danh mục thay đổi, bổ sung quy hoạch lộ trình xếp hạng di tích - danh thắng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011-2020. Trong danh sách này có "Lầu ông Phủ", tức biệt thự của Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh.
Cũng theo Sở VH-TT-DL, sau khi có quyết định trên, Ban Quản lý Di tích - Danh thắng tỉnh Đồng Nai đã nhiều lần đến, liên hệ chủ nhân ngôi nhà, đề nghị phối hợp lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích.
"Tuy nhiên, thời điểm đó (năm 2016 – PV), người trực tiếp quản lý ngôi nhà không đồng ý xếp hạng di tích. Vì vậy Ban Quản lý Di tích - Danh thắng tỉnh Đồng Nai đã dừng thực hiện lập hồ sơ di tích và đưa ra khỏi danh mục lập hồ sơ xếp hạng di tích. Điều quan trọng nhất là chủ ngôi nhà phải đồng thuận, hợp tác", ông Nguyễn Hồng Ân nói.
Cũng theo ông Ân, đến năm 2023 khi căn biệt thự nằm trong diện giải tỏa để thi công tuyến đường ven sông Đồng Nai, người quản lý căn (hiện tại) mới gửi đơn đến Sở VH-TT-DL đề nghị xem xét giữ lại biệt thự 100 tuổi.
Biệt thự 100 tuổi chờ "phán quyết" phá bỏ hay bảo tồn?
Trước đó, như Thanh Niên đã đưa tin, gần đây dư luận đã lên tiếng về việc căn biệt thự của Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh 100 năm tuổi, sắp tới "chỉ còn trong ký ức" khi cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai phải phá bỏ khoảng 2/3 ngôi biệt thự do nằm trong phạm vi làm tuyến đường ven sông Đồng Nai.
Một số nhà sử học, nhà nghiên cứu dư luận cho rằng cần bảo tồn căn biệt thự 100 tuổi này, bằng cách nắn lại con đường; có người còn đề xuất giải pháp mời "thần đèn" dời căn nhà ra khỏi phạm vi giải tỏa...
Ngay sau đó, Sở Xây dựng đã chủ trì phối hợp với Sở VH-TT-DL và TP.Biên Hòa tiến hành khảo sát thực tế ngôi nhà để đánh giá hiện trạng và đưa ra quyết định cuối cùng.