Nhà văn Nguyễn Trương Quý đã chọn những rạp hát và rạp chiếu phim thập niên 1950 để kể về văn hóa đô thị của Hà Nội cho một "tour nhà hát"- Một thời Hà Nội hát. Theo đó, theo ông Quý, sẽ có cả sự phồn thịnh của hệ thống rạp, cũng như sự lan tỏa của các bài hát tân nhạc hay, và cả những bộ phim mà hào quang còn tới bây giờ.
Một ví dụ mà ông Quý đưa ra là tour đi qua 3 rạp hát đầu tiên của Hà Nội: Sán Nhiên Đài hay Lạc Việt (gắn với chèo), Quảng Lạc (tuồng), Chuông Vàng (cải lương). "Ba nơi này chỉ cách nhau chừng 150 m, nằm ở trung tâm phố cổ. Rồi đến Hội quán Trí Tri ở phố Hàng Quạt, nơi từng diễn ra buổi giới thiệu tân nhạc vào ngày 9.6.1938, là một dấu mốc ý nghĩa cho một loại hình tân thời trong tiến trình hiện đại hóa đời sống người Việt", ông Quý nói. Bên cạnh đó còn những rạp hát ký ức của nhiều thế hệ như: Olympia (Hồng Hà), Cinema Tonkinois (Thủ Đô), Porte d’Or (Kim Môn), Eden (Công Nhân)…

Rạp chiếu bóng Cinema Palace đầu thế kỷ 20, sau đổi là Eden và nay là Công Nhân, trụ sở của Nhà hát Kịch Hà Nội, ở phố Tràng Tiền ẢNH: TƯ LIỆU
Năm 2018, ông Trương Quý và bạn bè đã làm sống lại không gian rạp hát ở rạp Đại Đồng khi tổ chức tại đó đêm nhạc của Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Rạp Đại Đồng khi đó đã không còn chức năng là rạp hát mà trở thành một nơi học khiêu vũ. Theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, vì thế, công việc chuẩn bị cho đêm nhạc đó cũng vất vả hơn. Đoạn video được công chiếu hôm đó cho công chúng gặp lại danh ca số 1 của rạp Đại Đồng - ca sĩ Thanh Hằng.
Những tour trải nghiệm mà nhà văn Trương Quý dẫn dắt vốn không phải là tour du lịch mà là tour chia sẻ kiến thức. Tuy nhiên, nó rất thu hút. "Sau khi thực hiện xong buổi tour các rạp hát, tôi liên tục được đề nghị tổ chức những buổi khác. Buổi đó ban đầu giới hạn 25 người nhưng rút cục thực tế đã lên tới 40 người và phải từ chối nhiều người đăng ký muộn. Tại buổi trao đổi, tôi cũng nhận được rất nhiều câu hỏi từ phía người tham dự, chứng tỏ có một nhu cầu rất lớn về trải nghiệm không gian văn hóa Hà Nội của chính cư dân ở đây", ông Quý cho biết.
Ông Quý đã dắt nhiều bạn bè đi tham quan bên trong một số rạp hát hay những ngôi đình như Kim Ngân từng là nơi biểu diễn ca trù. Khi được thưởng thức một số tiết mục, phản ứng của họ khá tốt. Tuy nhiên, một số rạp hát có trưng bày hình ảnh và hiện vật, song thuyết minh còn sơ sài. Đây chính là lúc "điền" những hiểu biết về rạp hát Hà Nội vào. Sau lộ trình khoảng 1 tiếng, cả nhóm sẽ tập trung ở một quán cà phê, diễn giả tổng kết nội dung, giải đáp thắc mắc và chia sẻ cảm xúc với nhóm.

Rạp chiếu bóng Trung Quốc khoảng năm 1940, vào năm 1946 tên là Tố Như, nơi diễn ra lễ xuất quân của Tự vệ Liên khu I ngày Toàn quốc kháng chiến, sau là rạp Kim Chung và Chuông Vàng, do ông bầu Long mua lại cho gánh hát Kim Chung, mang tên vợ ẢNH: TƯ LIỆU
Từ thất bại của tour Nhà hát Lớn
Còn nhớ, năm 2017 một tour nhà hát - bảo tàng được Bộ VH-TT-DL xây dựng với những điểm đến uy tín là Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Đây đều là những công trình kiến trúc mang dấu ấn, chưa kể cũng là nơi có nhiều câu chuyện lịch sử văn hóa. Với Nhà hát Lớn Hà Nội, khách được đón tiếp trong phòng Gương, tìm hiểu các sự kiện quan trọng diễn ra tại quảng trường Cách mạng Tháng Tám (trước nhà hát) từ đầu thế kỷ 20 tới nay, trải nghiệm lô VIP dành cho nguyên thủ quốc gia khi xem biểu diễn… Sau cùng công chúng được xem chương trình biểu diễn nghệ thuật tổng hợp Hồn Việt, gồm: nhạc nhẹ, tuồng, chầu văn, sáo, đàn bầu, múa rối.
Mặc dù vậy, tour Nhà hát Lớn đã biến mất rất nhanh. Với giá vé 400.000 đồng cho khách thường, giảm một nửa cho học sinh sinh viên, tour này thậm chí còn bị kêu là quá đắt. Cho đến nay, chưa có dấu hiệu gì cho thấy tour Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ được khởi động trở lại. Trong khi đó, tour du khảo nhà hát Hà Nội ở khu vực phố cổ vẫn tiếp tục hút khách mỗi khi được mở ra.
Nhà văn Trương Quý cho rằng tham quan các rạp hát này có tiềm năng lớn, song phải có cách kể chuyện phù hợp. Bản thân người tham quan cũng phải có một nhu cầu tìm hiểu quá khứ và sẵn lòng "nếm" quá khứ. Khi người truyền đạt và người tham quan gặp nhau ở nhu cầu đó, câu chuyện còn lại là cơ sở hạ tầng.

Quảng cáo ca nhạc và chiếu phim tại rạp Long Biên và Mê Linh nhân ngày thành lập Giải phóng quân (QĐND) 22.12.1954 ẢNH: TƯ LIỆU
"Nếu để thương mại hóa dành cho khách du lịch phổ thông, chắc chắn là phải "may đo" cẩn thận và phải linh hoạt", ông Quý nói. Cũng theo ông Quý, trong lần ông dẫn mấy người khách (có cả giáo sư VN học người Mỹ, dịch giả…) vào một rạp cải lương cách đây chục năm, xem một chương trình tân cổ và trích đoạn cải lương, họ nhanh chóng chán vì chất lượng nghệ thuật cẩu thả và khung cảnh khá xuống cấp.
Sau khi ông Quý đổi hướng cho họ sang đình Kim Ngân và được nghệ sĩ Bạch Vân biểu diễn một đôi bài ca trù, "những người khách thật sự xúc động vì sự cống hiến đó", ông Quý chia sẻ và bày tỏ: "Tôi nghĩ quan trọng nhất vẫn là nội dung phải đạt tới sự hoàn hảo như một món đủ đầy, dù chỉ là trình bày một thông tin thuần túy. Làm hời hợt không dễ qua mắt bất kỳ ai".
Cũng theo ông Quý: "Theo tôi, các tour nhà hát sẽ hấp dẫn hơn nếu có được các phương tiện tái hiện hình ảnh kiểu "vintage": các áp phích quảng bá thời xưa in ở khổ lớn, các hình ảnh nghệ sĩ hay các sự kiện lớn được trưng bày, liên quan đến những sự đổi thay quan trọng, đồng thời các hiện vật kiểu độc lạ cũng sẽ làm nên thứ bản sắc của nhà hát đó. Ví dụ một bộ sưu tập các xiêm y của vở cải lương Kiều đình đám suốt mấy thập niên của thế kỷ 20 cho đến nay, hẳn là một bản sắc của đoàn cải lương Kim Chung rồi Chuông Vàng và nay là Nhà hát cải lương Hà Nội".