Đó là nữ họa sĩ thênh thang khắp nơi để dạy vẽ, là người phụ nữ trao “cần câu” cho người khuyết tật, và là hai chị em mở tiệm áo dài 0 đồng giúp phụ nữ khó khăn.
Nếu như lòng tốt được ví như mặt trời thì những nhân vật Việc tử tế chính là những đóa hoa, luôn hướng về phía ánh sáng, phía của những điều tử tế. Trong tháng 3, tháng tôn vinh những người phụ nữ, Việc tử tế chọn kể chuyện về những người phụ nữ có nhiều đóng góp trong các hoạt động thiện nguyện. Họ chính là những bông hoa dưới ánh mặt trời.
Được nhiều người gọi là "nàng thơ xứ Huế", cô gái trẻ Phan Anh Thư sinh năm 2000 có niềm yêu thích với vẽ từ năm lên 4 tuổi. Thậm chí, Anh Thư đã thi đậu thủ khoa đầu vào khoa thiết kế nội thất Trường đại học Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh).
Phan Anh Thư thường lên các bản vùng cao để dạy vẽ và giao lưu với trẻ em nghèo.
Để vẽ nên cầu vồng ước mơ cho các em nhỏ, Phan Thanh Thư đã bắt đầu hành trình "Tour art" đi khắp dọc dài dải đất Việt Nam. Nữ họa sĩ cho hay, "Góp màu xây cầu vồng cho em" với 1 hộp màu sáp và 1 cuốn tập vẽ, tương ứng với 20.000 đồng, 500 em nhỏ ở nhiều điểm trường đã được bước đến gần hơn đến hội họa để tự tay vẽ nên ước mơ của chính mình.
Triển lãm thiện nguyện Em là hoạt động đầu tiên của cô gái trẻ, với hơn 50 bức tranh trong hành trình Tour art được bán ra, cùng lợi nhuận từ Art book "Thư thênh thang" và một số sản phẩm đi kèm đã gây quỹ hơn 500 triệu; giúp cho những em nhỏ tại Gia Lai có nhà nội trú mới, vơi bớt những khó khăn trong hành trình đi tìm con chữ.
Không dừng lại ở đó, với mong muốn nghệ thuật là cầu nối, Phan Anh Thư còn kết hợp với dự án "Em, Sỏi và Trường" của Hệ sinh thái NUÔI EM, gây quỹ hỗ trợ bữa ăn cho các em nhỏ từ chính những viên sỏi ở nơi các em đang sống, được các thầy cô trên vùng cao đi lựa và nhặt đem về. Trên hành trình của mình, Thư đã truyền cảm hứng cho rất nhiều những bạn trẻ có cùng đam mê.
Phan Anh Thư và tác phẩm hoa vẽ trên sỏi trong Việc tử tế tháng 3.
Sinh ra và lớn lên tại quê hương Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), ngay từ khi còn nhỏ, chị Đinh Thị Quỳnh Nga không may gặp phải tai nạn bất ngờ khiến cho chân trái của chị bị liệt. Dù vậy, chưa lúc nào chị ngừng nỗ lực, vươn lên trong cuộc sống và trở thành người truyền động lực cho những người đồng cảnh. "Sau khi tốt nghiệp Ngành Sư phạm mỹ thuật (trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội), tôi đã đi xin việc khắp nơi. Tại nhiều nơi, tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu khi biết sự đi lại khó khăn do khuyết tật. Không xin được việc, tôi tạm chuyển sang nghề trang trí hoa đám cưới", chị Quỳnh Nga chia sẻ.
Đến năm 2007, chị trúng tuyển kỳ thi công chức và trở thành giáo viên mỹ thuật của Trường Nuôi dưỡng và Giáo dục trẻ em tàn tật huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Đây chính là bước ngoặt quan trọng trong đời để chị được sống và làm việc đúng với ngành nghề.
Chị Quỳnh Nga từng làm hoa cưới để chủ động công việc và thu nhập của mình.
Đầu năm 2009, chị Nga quyết định thành lập nhóm "Trái tim hồng" để tập hợp các bạn khuyết tật đã ra trường trên địa bàn có thể tự làm việc để kiếm sống. Đến nay Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ của chị đã phát triển được 6 ngành hàng. Trong đó có ngành hàng thủ công mỹ nghệ bằng hạt gỗ, trồng nấm, may công nghiệp, sản xuất than sạch BBQ và 2 ngành dịch vụ photocopy và cà phê giải khát. Hiện hợp tác xã tạo việc làm gần 40 lao động thường xuyên, hỗ trợ ăn trưa cho toàn bộ công nhân và chỗ nghỉ sinh hoạt cho các lao động là người khuyết tật ở các tỉnh xa.
Với những nghĩa cử cao đẹp, chị Đinh Thị Quỳnh Nga đã vinh dự là một trong 50 gương sáng thầm lặng vì cộng đồng được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2020.
Thử thách bất ngờ trên sân khấu của Việc tử tế.
Vào đúng ngày 8/3/2022, hai chị em Đoàn Trúc Linh và Đoàn Thị Nguyệt đã cho ra đời "Cửa hàng áo dài 0 đồng" ở số 155 Đặng Văn Bi, phường Trường Thọ, TP Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh). Trong một năm sau đó, cửa hàng đã nhận hơn 6.000 chiếc áo dài và cũng chừng ấy chiếc áo được trao đi. Nơi đây trở thành điểm hẹn, cầu nối để "ai thừa đến cho - ai thiếu đến nhận".
Chị Đoàn Thị Nguyệt cho biết: "Có những bác lớn tuổi đã về hưu nhưng lần đầu được khoác lên tà áo dài. Có những em nhỏ không dấu nổi niềm vui khi có bộ áo dài mặc Tết được trao tặng từ cửa hàng. Nhớ nhất là có một cô bé khiếm thị, khi được tôi đo áo dài, đôi tay bé mân mê tà áo, chạm nhẹ vào vai áo và chầm chậm thử bước đi. Khi chứng kiến khoảnh khắc ấy, tôi chưa bao giờ thấy hạnh phúc như vậy… Đó cũng là dấu mốc để tôi nghĩ rằng tôi cần làm nhiều hơn".
Hai chị Đoàn Trúc Linh và Đoàn Thị Nguyệt dành phần lớn thời gian của mình để may những chiếc áo dài 0 đồng.
Các bệnh nhân chạy thận đã đến để chọn và trình diễn chiếc áo dài 0 đồng được gửi tặng từ TP. Hồ Chí Minh
Người ta đã ví hoa là ánh nắng mặt trời, là thức ăn là thuốc cho tâm hồn giúp mọi người tốt hơn, hạnh phúc hơn. Và đó cũng chính là những gì mà các nhân vật Việc tử tế đã làm được. Họ mang đến hi vọng mới, sức sống mới cho những phận đời khó khăn hơn.
Cùng lắng nghe và cảm nhận nguồn năng lượng tích cực của những bông hoa đặc biệt này trong
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...