Ông Chẳng cho biết, ngôi nhà đến đời ông là đời thứ 3, được trùng tu, chăm chút như báu vật của dòng họ. Từ nhỏ, sống cùng ông bà trong căn nhà cổ nên ông Chẳng đã trân quý, mong muốn giữ gìn từng món đồ và ấp ủ dự định sưu tầm. Năm 31 tuổi, sau khi lập gia đình, ông vừa làm ruộng, vừa canh tác 15 công bưởi năm roi để tích tiền sưu tầm đồ cổ cho đến nay.

Trong căn nhà cổ, ông Chẳng thờ ông bà và lưu giữ những món đồ sưu tầm suốt hàng chục năm qua
ẢNH: DUY TÂN
Suốt hơn 30 năm tìm kiếm, sưu tầm đồ cổ khắp miền Tây, ông Chẳng sở hữu hàng ngàn đồ vật, từ đồng tiền, đồ sành, đồ đồng, tủ, bàn ghế đến tấm hoành… Những bàn ghế do ông nội của ông để lại đến nay đã 100 năm nhưng vẫn bền chắc do được làm từ gỗ quý như gỗ bên, gỗ cẩm. Trong đó, nổi bật là chiếc giường lạnh (có nhiều người hay gọi là long sàn) tương tự chiếc giường nổi tiếng của công tử Bạc Liêu.

Ông Chẳng bên cạnh chiếc giường lạnh được trả giá 600 triệu đồng
ẢNH: DUY TÂN
Chiếc giường lạnh được ông Chẳng mua cách đây hơn 20 năm, từ một gia đình giàu có ở Bến Tre với giá 200 triệu đồng. Để đủ tiền mua, ông phải bán mấy ngàn giạ lúa. Giường lạnh làm bằng gỗ quý cẩn ốc xà cừ nhẵn mịn, tinh tế, mặt sàn lót đá quý, các thanh đố phía trên được thiết kế rất đẹp. Sàn lót đá quý nên khi nằm ngủ rất mát mẻ, thoải mái.

Chiếc giường được cẩn xà cừ dày đặc và hình dáng giống chiếc giường của công tử Bạc Liêu
ẢNH: DUY TÂN
"Từ lúc mua được chiếc giường này tới nay, đêm nào tôi cũng ngủ ở đó. Dù không giăng mùng nhưng chưa bao giờ bị muỗi chích, tinh thần lại sảng khoái và sức khỏe tốt. Đặc biệt, những ngày hè nóng nực, khi ngủ trên chiếc giường này rất mát mẻ", ông Chẳng cho biết.

Chiếc giường lạnh dùng để ngủ vào mùa hè nóng nực
ẢNH: DUY TÂN
Hiện, chiếc giường lạnh được nhiều người ngỏ ý mua lại với giá 600 triệu đồng, nhưng ông Chẳng chưa nghĩ đến việc bán đi, bởi xem đó như báu vật cần lưu giữ.
Địa điểm tham quan của khách quốc tế
Một hiện vật khác dù giá trị không quá cao nhưng là câu chuyện khá thú vị trong hành trình sưu tầm đồ xưa của lão nông xứ bưởi. Cách nay 24 năm, ở TP.Cần Thơ có người kêu bán tấm hoành dài 1,2 m, rộng 0,8 m với giá 20 triệu đồng. Để có tiền mua, ông Chẳng bỏ công chiết 1.000 nhánh bưởi đem bán lấy tiền mua cho bằng được món cổ vật này về treo trong nhà.

Chiếc tráp xưa được ông Chẳng sưu tầm
ẢNH: DUY TÂN
Không gian văn hóa Nam bộ trong ngôi nhà khá giả cách đây gần 1 thế kỷ gần như được thể hiện trọn vẹn trong ngôi nhà của ông Chẳng. Rất nhiều đồ cổ như khay rượu, khay trầu, bình, nhạo, tiền xưa… cùng những bộ bàn ghế xưa được ông lưu giữ mới toanh, trưng bày phục vụ du khách.

Tiền xưa được ông Chẳng sưu tầm
ẢNH: DUY TÂN
Khoảng đầu năm 2022 đến nay, căn nhà cổ của ông Chẳng trở thành địa điểm tham quan của đông đảo du khách quốc tế. Hiện, mỗi tháng nhà ông tiếp đón gần 100 khách tham quan. Khách đến không chỉ nghe ông kể những câu chuyện về cổ vật mà còn được tự tay hái và mang về những loại trái cây đặc sản ngay tại khu vườn rộng gần 15 ha của ông.

Bộ bàn ghế làm từ gỗ quý có tuổi đời hơn 100 năm
ẢNH: DUY TÂN
Nhờ lối kể lý thú và sức hấp dẫn của cổ vật, nhiều du khách nước ngoài đã bị cuốn hút qua hành trình khám phá. Về nước, họ gửi thư, bưu ảnh đến ông Chẳng, bày tỏ tình cảm với ông. Họ cảm phục trước niềm đam mê cổ vật Nam bộ của ông.

Ông Chẳng đã xây nhà kiên cố phía cho gia đình ở, còn ông vẫn ngủ ở chiếc giường lạnh trong căn nhà cổ này
ẢNH: DUY TÂN
Bà Lữ Ngọc Anh, đại diện khu nghỉ dưỡng Azerai Cần Thơ, cho biết thường xuyên tổ chức các tour du lịch đến tham quan nhà ông Chẳng vì đây là ngôi nhà "độc nhất miền Tây". Khách nước ngoài đến tham quan rất thích thú bởi không gian đậm chất miền Tây thuở xưa và sự tiếp đón nhiệt tình của gia đình ông.