Nghĩa trang thai nhi đầu tiên ở Phú Yên
Đầu hạ năm 2021, trên khu đất rộng 400m2 thuộc nghĩa trang TP.Tuy Hòa, An Nhi Viên - nghĩa trang thai nhi đầu tiên ở Phú Yên chính thức khởi sự. Ý tưởng về một nơi an nghỉ ấm áp dành cho những em bé xấu số đến từ anh Lê Thoại Kỳ - Chủ tịch Hội Thiện nguyện Đom Đom Phú Yên nhanh chóng nhận được sự đồng tình từ các nhà hảo tâm trong và ngoài nước. Đến tháng 8.2023, khi công trình tiến vào giai đoạn 2, số tiền An Nhi Viên nhận được lên đến hơn 500 triệu đồng.
Từ những ngày đầu giải phóng mặt bằng đến hoàn thành hơn 2.300 hộc mộ (giai đoạn 2), bục Quan Âm, dựng nhà kho, hàng rào, lối đi chính, cầu thang phụ, lối nội bộ, mương thoát nước..., Đom Đóm Phú Yên đều cho thấy đây là một tập thể "cứng nghề" thiện nguyện khi 140 hội viên, tình nguyện viên thay phiên nhau làm việc. Thời gian thực hiện công trình không thể đo bằng buổi, bằng ngày mà phải tính bằng năm. Nếu không phải vậy thì An Nhi Viên không thể thành hình tươm tất và trở thành ngôi nhà cho các bé không may.
Không dừng lại ở phần xây dựng "thô", phần "tinh" được Đom Đóm hết sức chú trọng. Cho đến nay, 202 hộc mộ đã được lấp đầy. Thứ năm mỗi tuần, dịp Tết Nguyên đán, mùng một hay ngày rằm, 1.6, Tết Trung thu hay lễ Giáng sinh, An Nhi Viên phủ lên một tấm áo nhiều màu sắc của sữa, bánh kẹo, các siêu anh hùng, ô tô, của gấu, của tượng, của vạn thọ, của tuyết mai...
Công việc tẩm liệm cho các con được anh Lê Thoại Kỳ và Lưu Thành Nguyên - Phó chủ tịch thường trực Hội Thiện nguyện Đom đóm Phú Yên đích thân thực hiện. Theo chia sẻ từ anh Thành Nguyên, việc tẩm liệm và an táng các con được thực hiện giống như khi mai táng một người trưởng thành. Điều xúc động là cả anh Thoại Kỳ và anh Thành Nguyên đều thuộc thế hệ 9X, chưa có gia đình và con cái nhưng các anh có thể dành cả trái tim mình cho các bé không may.
Nếu chỉ biết riêng về An Nhi Viên, ta sẽ nghĩ rằng đây là phần việc "đinh" của một tổ chức thiện nguyện. Nhưng với Đom Đóm Phú Yên thì An Nhi Viên chỉ là 1 trong 15 dự án phụng sự xã hội được tổ chức này duy trì theo lịch tuần, thậm chí là lịch ngày.
Vô vàn các dự án thiết thực...
Đơn cử như quán chay miễn phí Tâm An tại TP.Tuy Hòa phục vụ cho bà con từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần. Riêng việc duy trì bếp ăn suốt tuần trong vòng 5 năm qua đã là một thành tích đáng nể khi Đom Đóm là một tổ chức thiện nguyện đặc thù, không thù lao, không tặng thưởng. Số tiền mỗi ngày cho bếp ăn chỉ dao động ở mức 500 - 700 ngàn đồng nhưng các "đầu bếp không chuyên" phải thực hiện 200 suất ăn, bắt đầu từ 3 giờ sáng để kịp 10 sáng đến tay bà con.
Một điểm đặc biệt ở Tâm An là những trường hợp không thể đến tận nơi sẽ được hội viên Đom Đóm "ship cơm" tận nhà. Những trường hợp được ăn cơm Đom Đóm mỗi ngày là những hoàn cảnh được phường, xã giới thiệu, hội tiến hành khảo sát.
Kết hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành tại địa phương chính là điểm mạnh của Đom Đóm mà không phải tổ chức thiện nguyện nào cũng thực hiện được. Số lượng người được giúp đỡ từ Đom Đóm đã lên tới hàng ngàn. Số tiền mà Đom Đóm thay các nhà hảo tâm cụ thể thành chương trình, phần việc đã lên đến vài tỉ đồng mỗi năm.
Nếu An Nhi Viên nghiêng về chăm sóc người đã khuất thì mô hình "Vui chơi phát triển hỗ trợ trẻ em miền núi" hướng về các em nhỏ hai cấp tiểu học và trung học cơ sở. Hiện tại, Đom Đóm Phú Yên đang bắt tay với Tổ chức Worldwide Orphans Foundation (WWO) thực hiện các mô hình phát triển tư duy và thể chất cho các em học sinh ở tất cả các huyện, thị, thành phố tại Phú Yên. Chương trình này được kết hợp với dự án "Cùng em vùng cao ăn sáng". Tại đây, các bé sẽ được vui chơi với âm nhạc, sách, quầy ẩm thực món ăn dân gian, hội trại, sinh hoạt tập thể...
Các dự án trong phần việc lớn mang tên "Khảo sát, thăm giúp đỡ bà con" mà Đom Đóm tiên phong trở thành cánh tay nối dài cho các nhà hảo tâm trong 14 năm qua nhân văn và lấp lánh hơn nhiều so với tên gọi.
Trên background kêu gọi ủng hộ của Đom Đóm, dự án "Nuôi cụ" với sứ mệnh phụng dưỡng suốt đời các cụ già neo đơn đặc biệt nổi bật. Hơn 10 trường hợp các cụ ông, cụ bà được các thành viên Đom Đóm thăm mỗi tháng một lần, đồng thời thực hiện việc vệ sinh thân thể, dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, cùng ăn cùng nói chuyện với các cụ như con cháu lâu ngày về thăm ông bà.
Chương trình "Khung cửa bình yên" với trọng tâm là các trường hợp bại liệt cũng khiến nhiều người động lòng. Ngoài việc trang trí nhà cửa, hội tiến hành thuê xe, đẩy băng ca đưa các trường hợp này đi thăm thú các di tích, thắng cảnh đặc trưng trong tỉnh.
Và còn nữa, là những: Cửa hàng 0 đồng Hạnh Phúc, Tủ bánh mì yêu thương, xây nhà, xây cầu, xây công trình nước sạch, Thư viện Đom Đóm xanh, hỗ trợ các trại trẻ tâm thần, trẻ mồ côi tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Lâm Đồng, Cánh đồng Đom Đóm canh tác lúa gạo phụ giúp bà con nghèo, định kỳ tổ chức Xuân yêu thương, Tết ấm vùng cao, Rạp chiếu phim tuổi thơ, Phiên chợ xanh trẻ thơ vùng cao, hỗ trợ bà con trong đại dịch Covid-19, cứu trợ bà con các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, đặc biệt là Làng Nủ trong đợt bão Yagi vừa qua... Hành trình của Đom Đóm cũng đẹp đẽ như tên gọi. Tự thân phát sáng. Ở những khoảng tối nhất, đom đóm chính là ánh sáng dịu dàng nhất...
Cũng giống như nhiều tổ chức thiện nguyện khác, Đom Đóm Phú Yên thường phải đối mặt với tình huống thay máu, nguồn quỹ hoạt động eo hẹp, bị động. Hội thường xuyên tổ chức bán bánh, bán hoa các dịp lễ để tăng nguồn thu cho vô vàn các hoạt động phải duy trì. Tuy vậy, với năng lượng dồi dào, khả năng xoay sở khéo léo, Hội Thiện nguyện Đom Đóm Phú Yên vẫn là một tổ chức mạnh về con người, đạt được độ chín muồi và tinh tế trong từng chương trình mà hội thực hiện; được lãnh đạo, các sở, ban ngành, địa phương, bà con nhân dân trong tỉnh ghi nhận, tin yêu.
Năm 2018, anh Lê Thoại Kỳ, Chủ tịch Hội là một trong 10 gương mặt Tuổi trẻ sống đẹp do Trung ương Đoàn tổ chức tôn vinh. Năm 2023, Anh Lưu Thành Nguyên, Phó chủ tịch Hội là 1 trong 20 thanh niên sống đẹp tiêu biểu toàn quốc nhận giải thưởng "Thanh niên sống đẹp" do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam vinh danh. Hội Thiện nguyện Đom Đóm Phú Yên là 1 trong 9 tập thể đạt Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2022...
Đối với Đom Đóm Phú Yên, thiện nguyện không chỉ là một sáng, một vài bữa ăn, vài bức ảnh… mà đã trở thành hơi thở hóa vào thinh không, trở thành những điều giản dị nhất nhưng ấm áp nhất.